Phim truyền hình Việt ngày càng gần gũi

|

Khắc họa bức tranh cuộc sống đa sắc, phim truyền hình Việt hiện nay đang đi vào những đề tài gần gũi, quen thuộc với cuộc sống nhưng được thực hiện chỉn chu cùng thông điệp nhân văn. \r\n

Tình mẫu tử với câu chuyện nhân văn về tình mẹ bao la. Ảnh: Đ.P.C.C

Đề tài đa dạng

Bộ phim Nàng dâu order (đạo diễn Bùi Quốc Việt) vừa phát sóng tập cuối cùng trên sóng VTV3. Ngay từ tên gọi, phim đã cho thấy câu chuyện được truyền tải là một điển hình của cuộc sống hiện đại, trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão. Nhiều tình tiết trong phim hoàn toàn có thể bắt gặp đâu đó trong xã hội ngày nay. Bộ phim có thể không tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ như các phim phát sóng cùng thời điểm nhưng rõ ràng, nó cho thấy phim truyền hình Việt hiện nay đang bắt nhịp hơi thở hiện đại rất nhanh và kịp thời, thậm chí còn tốt hơn cả phim điện ảnh.

Nhìn rộng ra, nhiều phim đã và đang lên sóng cũng làm được những việc tương tự. Trên sóng VTV1, mỗi tập phim Về nhà đi con (Nguyễn Danh Dũng) thu hút sự chú ý của hàng triệu khán giả thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Câu chuyện về một ông bố gà trống nuôi con và khi những đứa con khôn lớn, trưởng thành có gia đình riêng là bức tranh xã hội thu nhỏ với đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố. Cũng như Sống chung với mẹ chồng (Vũ Trường Khoa) hay Gạo nếp gạo tẻ (Võ Thạch Thảo), thành công của bộ phim trước hết và trên hết chính là câu chuyện, tình tiết phim gần gũi. “Khi xem phim, tôi không chỉ thấy mình ở trong đó mà ngỡ như thấy cả chị gái, em gái mình với rất nhiều điểm tương đồng. Ngày nào tôi cũng hồi hộp chờ đợi để xem diễn tiến số phận của từng nhân vật”, chị Nguyễn Thảo Trang (quận Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ. 

Đã và sắp lên sóng, có 2 bộ phim truyền hình có bối cảnh và câu chuyện về đời sống của người dân miền Tây. Sau Nàng dâu order, bộ phim Bán chồng (Lê Hùng Phương) sẽ tiếp sóng trên VTV3 khung 21 giờ 30 thứ hai và thứ ba hàng tuần khắc họa cuộc sống, số phận của những người phụ nữ Nam bộ với rất nhiều bi kịch, biến cố. Trên sóng THVL1, lúc 20 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, bộ phim Tình mẫu tử (Hoàng Tuấn Cường) cũng là câu chuyện về một gia đình ở miền Tây với 4 người con, mang 4 số phận khác nhau. 

Trong khi đó trên sóng HTV9 lúc 22 giờ từ thứ hai đến thứ bảy, bộ phim Sóng ngầm (Nguyễn Tường Phương) là câu chuyện ứng xử về đồng tiền với bài học chưa bao giờ mất đi tính thời sự: Chỉ đồng tiền do bàn tay lao động làm ra mới thật sự đáng quý và lâu bền. Một dự án khác cũng mang sắc màu miền Tây là Con ông hai lúa (Hồ Ngọc Xum) đang lên sóng lúc 17 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên THVL1 với câu chuyện làm sao vừa giữ những giá trị truyền thống nhưng vẫn phải hòa nhập với thời đại mới.

Cân đối thị hiếu khán giả

Đạo diễn Nguyễn Tường Phương cho biết, anh không lấy nguyên mẫu từ sự kiện có thật: “Tôi mượn những câu chuyện thời sự nhưng dựa trên kinh nghiệm cuộc đời mình. Đặc biệt, đó là lời răn dạy quý báu từ mẹ: Cái gì không thuộc về mình thì không phải của mình”.  

Trong khi đó, tại buổi họp báo ra mắt bộ phim Bán chồng, đạo diễn Lê Hùng Phương chia sẻ, quá trình quay phim không ít khán giả khi được nghe kể về câu chuyện, đã nói rằng nhân vật chính trong phim rất giống với số phận một người phụ nữ ở địa phương nhưng ngoài đời kết thúc không có hậu như trên phim. Cũng liên quan đến việc lấy chất liệu cuộc sống, biên kịch Mỹ Hà (phim Đánh cắp giấc mơ) cho biết kịch bản phim được chị lấy cảm hứng từ một bài báo về hoạt động thiện nguyện: “Cùng với các kỹ thuật tạo phim ảnh, kịch tính, những bước ngoặt oái oăm đã cho ra đời một câu chuyện kể. Và Đánh cắp giấc mơ là một câu chuyện mà tôi thu hoạch được từ bài báo ấy”.  

Thực tế, để có những thước phim truyền hình chạm đến cảm xúc và thuyết phục khán giả, đòi hỏi sự đầu tư, kỹ tính, chỉn chu của ê kíp sản xuất. Theo NSƯT Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS), Sóng ngầm là dự án có kinh phí sản xuất cũng như thời gian thực hiện được ưu ái hơn so với mặt bằng chung các phim ở thời điểm đó: “Chúng tôi muốn câu chuyện đi vào chiều sâu, cảm xúc và mọi thứ được tính toán kỹ lưỡng, cả về âm nhạc”. 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), cho biết với mong muốn để khán giả phía Bắc biết nhiều hơn về đời sống của người dân miền Tây, khi thực hiện phim Bán chồng, ê kíp rất đau đầu. Anh chia sẻ: “Quá trình thực hiện chúng tôi có rất nhiều tranh luận và có những lúc tưởng chừng dự án phải dừng lại. Tuy nhiên, việc này chỉ nhằm mục đích vừa mang đến tác phẩm tốt nhất cho người xem, vừa dung hòa phong cách đạo diễn và thị hiếu khán giả”. Đạo diễn Lê Hùng Phương thừa nhận, vì mỗi vùng miền có cách xem phim khác nhau nên dù phải cắt gọt cho tác phẩm súc tích hơn nhưng anh vẫn phải cố gắng duy trì sự hài hước và dung dị của người dân miền Tây.  

Phim truyền hình Việt đang có những dấu hiệu hồi sinh tích cực và thành công ấy chính là động lực để những người làm nghề thêm vững tin trong việc khai thác, truyền tải những câu chuyện gần gũi, nhân văn. “Nghệ thuật vị nhân sinh” trong bất cứ giai đoạn nào cũng luôn được khán giả đón nhận.