Phát hành và kiểm duyệt phim ở Việt Nam: Người gác cửa tắc trách

|

Chiều 14-10, liên quan tới những hình ảnh được cho là xuất hiện bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ, ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, cho biết Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện xác định đây là sự việc nghiêm trọng và chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra lại nội dung cấp phép, phổ biến phim.\r\n

Bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ là dự án hợp tác giữa DreamWorks Animation và Pearl Studio - một công ty sản xuất phim của Trung Quốc.

Xem xét làm rõ trách nhiệm

Trong chiều 14-10, Cục Điện ảnh tổ chức xem lại bộ phim đang lưu chiểu tại cục để làm rõ trách nhiệm của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện (gọi tắt là Hội đồng) và tập thể, cá nhân liên quan khi tham mưu cấp phép, phổ biến phim.

“Tôi được biết, khi duyệt bộ phim này có 10-11 người của Hội đồng tham dự”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh và cho biết, sau khi xem lại bản lưu chiểu, bộ sẽ có thông tin tới báo giới.

Trả lời câu hỏi về việc chất lượng của các thành viên tham gia Hội đồng có đáp ứng được yêu cầu công việc, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh: Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh cân nhắc rất kỹ về số lượng thành viên tham gia Hội đồng.

Theo đó, thành viên gồm đại diện Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Điện ảnh, Cục Điện ảnh... Hội đồng là đơn vị chuyên môn giúp việc Cục trưởng Cục Điện ảnh và cho bộ cũng như giúp việc trong tư vấn, cấp phép, phổ biến phim. 

Cảnh trong phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" có hình bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp

Ông Nguyễn Thái Bình cũng cho biết không đồng tình với phát ngôn trên báo chí của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, một thành viên của Hội đồng, rằng: “Mấy giây thì làm sao, lúc nào cũng căng mắt ra rồi cũng không để ý…”. Khi đứng trước một bộ phim có xuất hiện “đường lưỡi bò” thì dù là cơ quan quản lý nhà nước hay bất cứ người dân bắt buộc phải khẳng định chủ quyền lãnh thổ là tối thượng.

“Chị Hồng Ngát đang đứng ở góc độ chuyên môn, có thể chưa hình dung hết hậu quả của phát ngôn này, song tôi nghĩ rằng chị ý thức rất rõ về nội dung không được phép phổ biến khi phim xuất hiện hình ảnh đường lười bò”, ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Hội đồng, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, với nhiệm vụ giúp việc bộ trưởng trong việc thẩm định phim, các thành viên Hội đồng trong thời gian qua đều đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc có thể xảy ra sai sót. Nếu Hội đồng để xảy ra sai sót thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng và công tác quản lý của ngành điện ảnh.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trao đổi để kiện toàn, nâng cao khả năng, năng lực, chất lượng của Hội đồng. Việc thành lập thêm bộ máy giúp việc cho Hội đồng cũng đang được tính đến”, ông Nguyễn Thái Bình nói thêm.

Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, những người thẩm định phim đã xúc phạm tới nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia, nên cần thiết phải xử lý trách nhiệm.

Bà bức xúc: “Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây trực tiếp là Cục Điện ảnh, theo tôi nếu không có năng lực thì đừng làm nữa. Chỉ có năng lực quản lý kém thì mới để lọt như thế. Từ sai lầm này sẽ dẫn tới những sai lầm khác và không đảm bảo rằng sai lầm đó sẽ không lặp lại”. 

“Siết” phim Việt, “lỏng” phim ngoại 

Như vậy, theo quan điểm Bộ VH-TT-DL, trách nhiệm ở đây chủ yếu thuộc về Hội đồng và ngành điện ảnh. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, ở đây là Bộ VH-TT-DL tới đâu, không được đề cập đến. Dĩ nhiên, với tư cách là “người gác cửa”, Hội đồng và Cục Điện ảnh chắc chắn phải là những cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm.

Trong bối cảnh số lượng phim nhập vào Việt Nam mỗi năm rất lớn (hơn 200 phim/năm, tính từ 2016 đến nay), yêu cầu đối với cơ quan quản lý càng chặt chẽ hơn bao giờ hết. Sự tinh tường, nhạy bén, nhất là nhạy cảm chính trị phải luôn được đặt lên hàng đầu để không xảy ra tình trạng tương tự, đi theo vết xe đổ của chính mình.

“Kịch bản” của Everest - Người tuyết bé nhỏ hay Điệp vụ biển đỏ đang được lặp lại một cách giống nhau đến không ngờ. Phim đã chiếu ở rạp 10 ngày, sau đó đều rút vì lý do ban đầu là “vắng khách”...

CGV xin lỗi khán giả

Chiều 14-10, Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam phát đi thông cáo báo chí với nội dung: Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) nhận được thông tin phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp.

CGV đã ngay lập tức thu hồi tất cả ấn phẩm quảng cáo và cho dừng chiếu bộ phim. Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim. Nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước.

Trong trường hợp này, không thể không nhắc đến trách nhiệm của đơn vị phát hành, mà với 2 bộ phim nói trên là CJ CGV Việt Nam. Thông thường, một bộ phim trước khi được gửi đến Hội đồng đều trải qua quá trình tuyển chọn của mỗi nhà phát hành trong nước. Vậy phải đặt câu hỏi rằng ê kíp chọn phim của CGV đã thực sự làm tốt trách nhiệm của mình trong việc mang các sản phẩm văn hóa đến khán giả?

Theo nguồn tin của PV, số lượng suất chiếu của bộ phim ngày khởi chiếu đầu tiên 4-10 hơn 750 suất/ngày, sau đó đạt mức cao nhất - hơn 900 suất, trong ngày 6-10 và duy trì số lượng suất chiếu dao động 500 - 600 suất/ngày. Nếu các trường hợp vi phạm không bị khán giả phát hiện, liệu phim có rời rạp chiếu sớm trong khi vẫn mang về doanh thu cho nhà phát hành? 

Tại một hội nghị gần đây, liên quan đến vấn đề kiểm duyệt, đại diện Hãng phim Chánh Phương đề nghị cần công khai giới thiệu các thành viên thẩm định, kiểm duyệt phim trong Hội đồng để chia sẻ, tham vấn, đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề còn tồn đọng trong tác phẩm điện ảnh giai đoạn kiểm duyệt phim.

Ngoài những vấn đề nêu trên, một thực trạng khác cũng rất cần câu trả lời thỏa đáng là sự công bằng, minh bạch. Liệu giữa phim nội và phim ngoại; phim của các đơn vị nhập khẩu, phát hành khác nhau ở Việt Nam có được đối xử giống nhau hay có sự thiên lệch nào?

Trên thực tế, có không ít trường hợp những bộ phim khi ra rạp dù qua ải kiểm duyệt nhưng lại bị gắn nhãn hạn chế không thật sự thỏa đáng, tăng độ tuổi giới hạn khán giả. Và ngược lại, có những trường hợp rõ ràng không thích hợp cho trẻ em nhưng vẫn không hề bị gắn nhãn.

Phim nước ngoài với nhiều cảnh giết chóc, máu me hay phản cảm vẫn được ra rạp trong khi “vòng kim cô” cho phim Việt dường như khắt khe hơn. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, đặt vấn đề, đối với những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh cần khái quát những nội dung bị cấm và cụ thể những chi tiết cấm.

Theo đại diện Hãng phim Chánh Phương, cần thay đổi khuynh hướng kiểm duyệt bảo thủ, an toàn, giảm thiểu sự kềm hãm tính sáng tạo, đột phá trong tác phẩm điện ảnh. Cần giải thích rõ từ “thuần phong mỹ tục” vì hiện chung chung, gây hoang mang, khiến giới làm phim chưa thực hiện đã sợ dù không biết sợ gì. 

Theo số liệu thống kê của Cục Điện ảnh, giai đoạn 2007-2018 có tổng cộng 223 phim không cho phép phổ biến vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, con số này quá nhỏ so với số lượng phim đã được cấp phép. Ngoài những trường hợp bị phát hiện, còn những bộ phim nào có chứa các yếu tố nhạy cảm hay không phù hợp với từng đối tượng khán giả nhưng vẫn thản nhiên ra rạp, vẫn là câu hỏi mở.

Xử phạt đơn vị sản xuất phim Ròm 40 triệu đồng

Ngày 14-10, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã ra Quyết định số L10/QĐ-XPVPHC xử phạt 40 triệu đồng đối với đơn vị sản xuất phim Ròm vì phát hành phim khi chưa được cấp phép phổ biến. Theo đó, Công ty Hoan Khuê (HK Film) có trụ sở tại TPHCM, nhà sản xuất bộ phim Ròm, đã gửi bộ phim này tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan (BIFF) lần thứ 24 khi phim chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến.

Tình tiết tăng nặng của sự việc này là việc HK Film tiếp tục thực hiện hành vi gửi phim tham dự BIFF dù đã được Cục Điện ảnh yêu cầu chấm dứt. Trước đó, Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy) và Haifa Street (Mohanad HAYA -  Iraq) là 2 tác phẩm đồng giải New Currents Award - giải thưởng quan trọng bậc nhất (tương đương Phim xuất sắc nhất - Best Film) tại BIFF.