Phiêu trong ký ức cùng Trịnh Công Sơn

|

Hai bộ phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ra mắt cùng thời điểm. Thông qua từng lời ca, nét nhạc trong những bản nhạc tình bất hủ hay mỗi khuôn hình, ký ức “bỗng về quá thênh thang”.   
\r\n

Hai bộ phim gợi cho khán giả nhiều ký ức về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Bộ phim của hoài niệm có lẽ là tên gọi vừa vặn cho cả hai tác phẩm Em và Trịnh Trịnh Công Sơn. Hoài niệm ấy được kể bằng âm nhạc, theo cách đa tuyến của đạo diễn với sự chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng chi tiết và sự duy mỹ tuyệt đối trong từng khung hình. 

Hình ảnh và âm nhạc là chất xúc tác tuyệt vời ở 2 tác phẩm, khiến bộ phim được dung hòa một cách nhẹ nhàng, không sa đà vào kể lể như hình dung của đa phần khán giả khi nhắc đến dòng phim tiểu sử. Để giải bài toán khó giữa “biển” tư liệu, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và ê kíp chọn chủ nghĩa lãng mạn trở thành mạch ngầm xuyên suốt 2 tác phẩm. Chất lãng mạn ấy được kể thông qua những chi tiết vừa mang tính lát cắt, nhưng cũng rất đặc tả về những nàng thơ và cả những biến cố trong cuộc đời chàng Trịnh từ khi ở Huế lên B’lao dạy học, gặp Khánh Ly ở Đà Lạt trước khi chuyển vào Sài Gòn và đặc biệt, cơ duyên gặp gỡ với Michiko tại Paris. 

Dù kể về những năm tháng thanh xuân trong Trịnh Công Sơn theo tuyến tính thời gian hay miên man trong vùng ký ức giai đoạn trung niên ở Em và Trịnh, tinh thần ấy đều được nêu bật. Một phim được kể chi tiết, liền mạch và khá logic, trong khi phim còn lại mang tính hồi tưởng, lược tả, gợi mở. Cũng có đôi chút tiếc nuối bởi sự ôm đồm chi tiết khiến phim đôi khi dàn trải, phần chuyển cảnh ở một số phân đoạn đang lên cao trào hay sự ghép nối những hình ảnh tư liệu chưa mượt mà ít nhiều ảnh hưởng cảm xúc người xem.  

Âm nhạc trong 2 tác phẩm không chỉ là phương tiện chuyên chở cảm xúc. Nó là nhân vật mang tính linh hồn. Mỗi ca khúc được lựa chọn đều có chủ đích riêng, đưa người xem vào thế giới riêng của nhạc sĩ với mỗi nàng thơ cùng vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Âm nhạc trong phim còn mang hơi thở của thời cuộc với những đau đáu về thân phận con người. Tình yêu và thân phận không tách rời mà hòa quyện. Âm nhạc trong phim quen thuộc, bởi ai cũng có thể hát theo khi ca khúc ấy cất lên. Nhưng, nó cũng tươi mới thông qua những bản phối mới và chất giọng do chính các diễn viên trong phim thể hiện, dẫu không thể là “bản sao” hoàn hảo của các giọng ca ngoài đời thực.  

Nhưng âm nhạc sẽ không thể khiến người xem rung động nếu thiếu đi những khung hình đậm chất thơ bởi sự chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ nhất của đội ngũ thiết kế mỹ thuật. Bộ phim có bối cảnh trải dài từ Huế, TPHCM, Đà Lạt…, qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, giai đoạn 1960-1990. Nhiều khung cảnh quen thuộc: chợ Bến Thành, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, bưu điện Cây Gõ, nhà hàng nổi 5 sao trên sông Sài Gòn (TPHCM); gác Trịnh, cầu và nhà thờ Phủ Cam, cầu Trường Tiền (Huế); cà phê Tùng, sơ học Bảo An (Lâm Đồng) được dàn dựng, tái hiện rất công phu. Phần hình ảnh càng thuyết phục khi tạo hình nhân vật từ trang phục, trang điểm, phụ kiện; đến các tiểu tiết: bức phong thư, tấm vé xe lửa, những tờ nhạc nhám vàng, chiếc hộp đựng đồ của thiếu nữ Huế, mắt kính của nhạc sĩ… đưa người xem ngược dòng ký ức.  

Linh hồn của bộ phim - nhân vật Trịnh Công Sơn do Avin Lu (thủ vai thời trẻ) và NSƯT Trần Lực (thời trung niên) cho thấy những nỗ lực làm tròn vai, dẫu khó tính hơn sẽ thấy cả hai chưa toát lên thần thái, khí chất của người nhạc sĩ. Đặc biệt, phần đài từ chưa bật lên chất Huế. Trong khi đó, Bùi Lan Hương trong lần đầu chạm ngõ điện ảnh lại là sự phát hiện đầy thú vị. Lợi thế giọng hát ma mị, liêu trai cùng lối diễn bình thản là điểm cộng. Hoàng Hà cũng có phần thể hiện nhiều điểm nhấn. Có lẽ, vì đây là nàng thơ duy nhất ê kíp tiếp cận được trong quá trình sưu tập tư liệu nên vai diễn được khai thác tối đa và là chìa khóa mở ra cái kết cho Em và Trịnh - như chia sẻ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tuyến các nhân vật: Thanh Thúy, Bích Diễm, Michiko, hội bạn Tuyệt tình cốc… đều có màu sắc riêng nhất định.  

Em và Trịnh và Trịnh Công Sơn chiếu sớm từ 19 giờ ngày 10-6, trước khi công chiếu chính thức từ ngày 17-6 trên toàn quốc.

Rất nhiều khoảnh khắc đắt giá đã được tái hiện bằng âm nhạc: ca sĩ Khánh Ly tháo guốc hát tại quán Văn, ca sĩ Thanh Thúy hát Ướt mi tại phòng trà, Michiko cất lời hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật hay nhạc sĩ hát Huyền thoại mẹ giữa những chiếc đèn pin, đèn măng xông soi rọi từ khán giả… Nhiều phân cảnh trong số đó mang tính giai thoại lịch sử, gắn chặt với cuộc đời ông.