Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành: Phá bỏ tư duy độc quyền với phim Nhà nước đặt hàng

|

Lần đầu tiên Cục Điện ảnh gửi thư đến các cơ sở điện ảnh mời gửi kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2025. Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, đây là bước đi nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị sản xuất phim, nâng cao chất lượng các dự án phim Nhà nước đặt hàng.\r\n

PHÓNG VIÊN: Phim sử dụng ngân sách nhà nước, hay còn gọi là phim được Nhà nước đặt hàng, vẫn được coi là “bầu sữa” mà nhiều đơn vị điện ảnh trông đợi. Việc Cục Điện ảnh mời các cơ sở điện ảnh gửi kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2025 phải chăng là do “cuộc chơi” này đã kém hấp dẫn?

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành

Cục trưởng Cục Điện ảnh VI KIẾN THÀNH
: Đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về điện ảnh. Thực tế cho thấy, sau khi điện ảnh không còn chế độ bao cấp, phần lớn hãng phim của nhà nước trước đây đều chuyển sang đơn vị sự nghiệp, cổ phần hóa… Song lâu nay, việc chọn kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước dường như trở thành quy định bất thành văn - coi đây là “sân chơi” của các hãng phim, đơn vị làm phim từng là của nhà nước. Việc Cục Điện ảnh gửi thư tới các đơn vị sản xuất phim không kể là họ đã từng thuộc về nhà nước hay nhà sản xuất tư nhân nhằm “phá bỏ” tư duy cục bộ, tạo sự bình đẳng cho mọi đơn vị sản xuất.

Nói rằng cuộc chơi đã kém hấp dẫn cũng không hẳn chính xác, bởi số lượng kịch bản gửi về tuyển chọn tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để lựa chọn những kịch bản tốt để đầu tư.

Mỗi năm, số lượng phim sử dụng ngân sách nhà nước là bao nhiêu, thưa ông?

Số lượng không nhiều, chỉ 2-3 phim truyện trong 2 năm và khoảng 20 phim tài liệu, phim hoạt hình. Thực tế, có nhiều đơn vị có năng lực làm phim tốt, nhưng cũng do tâm lý e dè, nên họ không tham dự tuyển chọn kịch bản. Điều này vừa làm giảm đi cơ hội tiếp cận với nguồn tiền đầu tư hỗ trợ của nhà nước, phần nào làm cho các kịch bản thiếu màu sắc hơn khi ít bị cạnh tranh. Như nhiều cuộc tuyển chọn khác, có đông ứng cử viên và nhiều ứng cử viên tốt, chất lượng sẽ được nâng lên, tác phẩm được chọn cũng sẽ chắc chắn và tốt hơn.

Theo ông, số tiền được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước tại thời điểm này có đủ để sản xuất phim không?

Nếu phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình (khoảng từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/phim) thì đủ, còn để làm phim truyện thì kinh phí được cấp chỉ dừng ở mức tối thiểu. Kinh phí tối đa từ ngân sách nhà nước với phim truyện hiện nay mới dừng ở 20 tỷ đồng, trong khi mặt bằng chung làm phim điện ảnh đang là 50-60 tỷ đồng. Làm phim có bối cảnh đương đại thì có thể đủ, nhưng nếu làm phim lịch sử, phải dựng lại bối cảnh nhiều, phải phục chế trang phục thì tốn kém hơn và khó khăn. Chúng tôi khuyến khích các đơn vị sản xuất làm phim cố gắng huy động thêm các nguồn vốn. Không nên mặc định, phim nhà nước cấp kinh phí chỉ dùng tiền tài trợ của nhà nước vì kinh phí hạn hẹp, trong khi một bộ phim cần nguồn đầu tư khá lớn cho nhiều khâu, như kịch bản, sản xuất, trang phục, hậu kỳ, đặc biệt là khâu quảng bá phim...

Việc kết hợp công - tư trong việc làm phim điện ảnh từng được cho là đem lại hiệu quả, điển hình như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Song vì lý do gì mà hình thức này không được các nhà sản xuất phim tiếp tục hưởng ứng?

Như đã chia sẻ ở trên, việc chỉ dựa vào nguồn tiền ngân sách nhà nước cấp để làm phim thì chỉ mới đạt được ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn vốn khác vào làm phim lại đang vướng mắc do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Hơn nữa, số vốn tham gia có thể còn nhiều hơn số vốn nhà nước cấp. Vậy khi phim làm ra, chủ sở hữu sẽ là nhà nước hay thuộc về tư nhân? Việc quảng bá, phát hành sau khi phim sản xuất ra, sẽ do ai tiến hành, bởi hệ thống phát hành của nhà nước là Fafilm đã không còn nữa. Khi phim phát hành và đem lại lợi nhuận thì việc phân chia này sẽ thực hiện như thế nào? Những vấn đề trên đang đặt các cơ quan quản lý vào tình huống khó khăn vì hệ thống luật chưa đồng bộ.

Phải chăng việc kiếm nguồn kịch bản tốt, phá thế độc quyền, mở rộng cửa với các đơn vị sản xuất tư nhân chỉ mới là phần ngọn trong việc tạo ra những tác phẩm tốt, tăng hiệu quả của dòng phim sử dụng ngân sách nhà nước?

Đúng vậy. Kêu gọi các đơn vị tư nhân cùng tham gia cuộc tuyển chọn kịch bản chỉ là bước đầu. Sẽ còn rất nhiều việc cần phải tháo gỡ trong thời gian tới để rộng đường cho các nhà sản xuất.

Thư gửi các cơ sở điện ảnh mời gửi kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2025, nêu rõ: Các cơ sở có thể gửi kịch bản theo 1 trong 4 thể loại phim, hoặc gửi kịch bản cả 4 thể loại: phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, hoạt hình. Kịch bản được trình bày theo hình thức của kịch bản điện ảnh; thời lượng để sản xuất phim truyện từ 90-100 phút; phim tài liệu, phim khoa học, hoạt hình từ 20 -30 phút. Về thời hạn, ngày 30-4 hàng năm là thời hạn cuối cùng nhận kịch bản để tuyển chọn đưa vào kế hoạch của năm tiếp theo. Nơi nhận kịch bản: Cục Điện ảnh, 147 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội.