Nhà sản xuất phim hoạt hình Việt Nam vẫn đơn độc khi bước ra thế giới

|

Ngày 18-10, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế với sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban ngành, các nhà làm phim hoạt hình, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hoạt hình. Đây là buổi tọa đàm đầu tiên chuyên về phim hoạt hình.

\r\n

Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, phim hoạt hình Việt Nam có lịch sử 63 năm, từ ngày thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam năm 1959 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất hiện nay là 17-18 phim/năm, một con số khiêm tốn so với tiềm năng.

"Điểm khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để chiếm lĩnh được rạp chiếu. Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam. Hiện nay chúng ta thiếu những tên tuổi như thế", Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nhận định.

Trên thế giới có những phim hoạt hình nổi tiếng như Doreamon, Bánh mì đám mây… có số lượng hàng tỉ người xem. Bởi vậy, theo nhận định của bà Ngô Phương Lan, đây là thời điểm cần mở rộng tầm nhìn, đánh giá năng lực sản xuất phim hoạt hình, đồng thời phải tìm được giải pháp cho việc cần phải làm gì để các doanh nghiệp phim hoạt hình cùng tham gia vào công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa.

 Tọa đàm là hoạt động khởi đầu chuỗi các hoạt động xúc tiến phát triển thương hiệu hoạt hình Việt Nam
Đồng quan điểm này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình khá tốt, đem lại 10-15% doanh thu của điện ảnh. Có đóng góp tích cực đối với thị trường điện ảnh. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy tương lai của ngành hoạt hình trong nước như Nhật Bản, đóng góp của phim hoạt hình và sản phẩm liên quan chiếm 5-6% GDP. Cùng đó, phim hoạt hình cũng góp phần tích cực lan tỏa thông điệp cuộc sống thông điệp nhân văn, từ đó khai thác giá trị văn hóa. Bởi vậy khai thác được giá trị của phim hoạt hình sẽ là một cách hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, từ đó góp phần xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia, thương hiệu quốc gia", ông Bùi Hoài Sơn nhận định.

Khẳng định vị trí đặc biệt của hoạt hình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên cũng cho rằng, cần tính đến việc xây dựng hình ảnh biểu tượng, đặc trưng cho hoạt hình Việt giống như nhân vật Tễu của múa rối.

"Xây dựng được nhân vật điển hình cho hoạt hình Việt Nam chính là xây dựng thương hiệu Việt Nam. Đã đến lúc hoạt hình không chỉ phục vụ công chúng nhỏ tuổi mà phải tham dự các LHP lớn của thế giới, được công chúng thế giới biết đến", ông Vương Duy Biên gợi ý.

Khẳng định về tiềm năng và tiềm lực để phát triển hoạt hình Việt Nam, tuy nhiên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho biết, các phim hoạt hình ở Việt Nam mới dừng lại ở độ dài 10-15 phút, cũng có những bộ phim 30 phút nhưng ít. Để có được những phim dài 90 phút đủ để chiếu rạp vẫn đang rất khó khăn.

Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp sản xuất phim hoạt hình như Sconnect, Colory Animation, DeeDee... đã đem đến nhiều tín hiệu vui khi sở hữu đội ngũ nhân lực tay nghề cao, ngang tầm với nhiều nhà sản xuất hoạt hình lớn trên thế giới. Nhiều công ty sản xuất không chỉ dừng ở việc gia công cho các hãng mà còn đóng vai trò đồng sản xuất trong những tác phẩm hoạt hình tên tuổi.

Song thành công của các doanh nghiệp làm hoạt hình ở Việt Nam vẫn mang tính đơn lẻ. Đại diện DeeDee chia sẻ đã nhiều lần tham dự các liên hoan, hội chợ liên quan tới hoạt hình ở nước ngoài nhưng đều đến với tư cách doanh nghiệp, không có các gian hàng, các hoạt động xúc tiến mang tính chất quốc gia...

"Từng bước đưa hoạt hình và các sản phẩm liên quan ra thị trường quốc tế một cách bài bản vừa góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vừa bảo vệ bản sắc văn hóa Việt trong phim hoạt hình", TS. Ngô Phương Lan khẳng định. Bởi vậy để không còn đơn độc trên con đường phát triển, lan tỏa hình ảnh, khẳng định vị trí của hoạt hình Việt Nam ra thế giới vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay hỗ trợ, dẫn dắt có tầm nhìn tổng thể, dài hơi.