Chưa xứng vị thế

|

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm điện ảnh của cả nước, nhưng thị trường điện ảnh với doanh thu ngàn tỷ đồng mỗi năm vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ để phát huy hết tiềm lực. \r\n

Sản xuất, phổ biến phim tại TPHCM đang đứng đầu cả nước, số lượng khán giả coi phim, doanh thu phát hành và chiếu bóng cũng cao nhất. Số rạp tại TPHCM chiếm gần 30% và đóng góp trên 40% tỷ lệ doanh thu so với cả nước. Những con số ấy là minh chứng vai trò đầu tàu của điện ảnh thành phố trong tiến trình góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt đang ở giai đoạn quá độ. 

Thực tế ấy vui mà buồn. Vui là bởi, thị trường điện ảnh thành phố luôn phát triển sôi động ở hầu hết các thể loại từ phim truyện điện ảnh, phim truyền hình, sitcom, web-drama, phim chiếu trên các nền tảng trực tuyến. Nhưng, phía sau niềm vui ấy là những nỗi niềm. Nói như bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, sự phát triển đang theo hướng hoàn toàn tự phát, chưa có chiến lược, kế hoạch đàng hoàng. 

Nhìn thẳng vào vấn đề, sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh thành phố hiện đang thiếu thương hiệu mang dấu ấn riêng. Đề án Liên hoan phim ngắn thành phố được lên kế hoạch từ cách đây vài năm với kỳ vọng có thể tổ chức trong nửa đầu 2023 và sau đó là định kỳ 2 năm/lần. Rồi việc tái khởi động cuộc thi tuyển chọn diễn viên điện ảnh Ngôi sao ngày mai, có từ năm 1991 nhưng bị gián đoạn những năm qua. Tất cả đều là câu chuyện của thì tương lai.  

Chiến lược đồng bộ cho điện ảnh thành phố còn rất nhiều hạng mục quan trọng khác. Đó là việc đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường, từ vị trí quản lý, sản xuất cho đến các thành phần trong đoàn làm phim; là việc xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu tổ chức các sự kiện lớn cũng như các hoạt động sản xuất điện ảnh. Trong đó, thiết yếu là phải có phim trường quy mô chất lượng đáp ứng các thể loại phim khác nhau, đồng thời có thể đưa vào khai thác du lịch, cho khách tham quan. Song song với đó là trung tâm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất phim ngày càng cao. 

Chỉ khi nào đạt sự đồng bộ ấy, điện ảnh thành phố nói riêng và điện ảnh Việt nói chung mới thực sự trở thành ngành công nghiệp đúng nghĩa. Và khi đã có con đường được vạch ra một cách rõ ràng, mới khai thác hết tiềm năng các nguồn lực xã hội hóa, phát huy tối đa sức mạnh nguồn nhân lực… luôn đầy đam mê và nhiệt huyết.