Dấu ấn Việt Nam trong hành trình tham gia Liên hợp quốc

|

Từ ngày 21-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ. Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục cho thấy hình ảnh một Việt Nam năng động, tích cực, có trách nhiệm và đóng góp có hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hợp tác hiệu quả

Việt Nam gia nhập LHQ ngày 20-9-1977. Hỗ trợ của LHQ đối với Việt Nam khởi đầu tập trung vào tái thiết sau chiến tranh và hỗ trợ nhân đạo. Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (năm 1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.

Mặt khác, chúng ta cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thấy bối cảnh kinh tế và phát triển của Việt Nam thay đổi nhanh chóng, LHQ mở rộng hỗ trợ sang tăng cường thể chế, chính sách, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp...

LHQ đang hợp tác với Việt Nam để nhân rộng thành tựu mang lại từ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ và hỗ trợ các ưu tiên phát triển khác của Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực chiến lược: Đầu tư vào con người; Đảm bảo chống chịu biến đổi khí hậu và bền vững môi trường; Thúc đẩy sự thịnh vượng và hợp tác; Thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện. Với sự hỗ trợ đáng kể của LHQ, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững năm 2017, Đánh giá quốc gia tự nguyện (VNR) đầu tiên vào năm 2018 và danh sách 158 chỉ số SDG quốc gia hóa (chỉ số VSDG) vào tháng 1-2019.

LHQ đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tăng cường lồng ghép SDG vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) tiếp theo.

Nữ quân nhân Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Giai đoạn 2017-2021, hai bên đã hoàn thành Kế hoạch Chiến lược chung giữa Việt Nam và LHQ trong khuôn khổ Sáng kiến Một LHQ đã được ký tháng 7-2017 nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và các SDG. Việt Nam hiện đã thông qua các Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - LHQ giai đoạn 2022-2026.

Những đóng góp của Việt Nam tại LHQ

Những năm qua, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn hiệp ước.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Gìn giữ hòa bình tại trụ sở LHQ; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và một đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan); là một trong những nước có tỷ lệ nữ cao nhất trong các nước cử quân tham gia.

Việt Nam còn chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.

Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021 ở Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải methan, Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.

Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều dấu ấn tại các cơ quan như: Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) 2021-2023, Hội đồng Khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 77 (tháng 9-2022 - tháng 9-2023); các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 …

Podcast bản tin tối 19-9: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sắp có chuyến công tác ở Hoa Kỳ, thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lên đường dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba