Tuy thời gian qua các ngành chức năng ở TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa cháy nổ gas nhưng đến nay các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng gas vẫn diễn ra tràn lan…
Chỉ an toàn khi sử dụng 1 lần, nhưng tái sử dụng hàng chục lần!
Theo quy định, vỏ bình gas mini chỉ được phép sử dụng 1 lần, thế nhưng bất chấp điều này, hiện ở nhiều nơi người dân vẫn tái sử dụng nhiều lần, có nơi sử dụng đến hàng chục lần, khiến nguy cơ cháy nổ ở loại bình gas này tăng cao. Bà Trần Thị Hằng, chủ tiệm tạp hóa trong hẻm C5 đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) luôn trữ trong tiệm hơn 50 bình gas mini để bán cho công nhân, sinh viên ở thuê trong các dãy nhà trọ bên cạnh. Đáng lưu ý là hầu hết các bình gas mini ở đây đều đã cũ kỹ, có bình ở dưới đáy và đầu van đã bị gỉ sắt, khí gas bị rò ra ngoài hôi nồng nặc, rất dễ dẫn đến cháy nổ.
Được hỏi việc tồn trữ, kinh doanh gas không an toàn thế này có sợ cháy nổ và bị cơ quan chức năng xử phạt không, bà Hằng cho biết, tiệm của bà kinh doanh gas mini cũ 8 năm nay, mỗi ngày bán hơn 30 bình. “Hết gas, khách trả bình, tôi gọi người giao gas đến nộp gas, rồi lại chở đến để tôi bán ra, chưa xảy ra cháy nổ bao giờ. Trước giờ cũng chẳng thấy ai đến kiểm tra, xử phạt. Chú lo xa không à!”, bà Hằng nói vô tư. Không chỉ tiệm của bà Hằng, tại nhiều tiệm tạp hóa khác trên địa bàn TPHCM cũng kinh doanh bình gas mini có vỏ bình sử dụng nhiều lần.
Hiện trường vụ nổ bình gas làm 1 người chết ở hẻm 904 đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) vào chiều 14-4
Bên cạnh việc kinh doanh bình gas mini sử dụng nhiều lần, việc san chiết gas trái phép diễn ra tràn lan; tình trạng tồn trữ, sử dụng các loại bình gas lớn không an toàn cũng đang tồn tại phổ biến. Tại hai nhà hàng Ốc Tre (đường Thành Thái, quận 10) và Bê Vàng (đường Vành Đai Trong, quận Bình Tân) luôn tồn trữ hàng chục bình gas lớn (loại 50kg) để phục vụ việc chế biến món ăn. Tuy nhiên, các bình gas này không được chủ quán cách ly, để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, mà đặt ngay cạnh các ổ cắm điện, đặc biệt gần các bàn ăn, thực khách vô tư vứt tàn thuốc cạnh các bình gas, rất dễ gây ra cháy nổ.
Trên thực tế đã có nhiều sự cố, tai nạn cháy nổ gây chết người do kinh doanh, tồn trữ, sử dụng gas không an toàn, san chiết gas trái phép.
Nâng mức hành chính để răn đe
Lãnh đạo một Phòng Cảnh sát PCCC của một huyện ở ngoại thành TPHCM cho biết việc xử lý tình trạng san chiết gas trái phép, kinh doanh, sử dụng bình gas mini không an toàn rất khó khăn, vì đa số các tiệm tạp hóa, cơ sở kinh doanh loại bình gas này không được cấp phép, không nằm trong diện quản lý của cảnh sát PCCC. Vị này nói: “Cảnh sát chỉ có thể phối hợp cùng chính quyền địa phương, hỗ trợ xử lý khi phát hiện có trường hợp cụ thể vi phạm. Để ngăn chặn các vi phạm diễn ra, không còn cách nào khác là chính quyền - ngành chức năng địa phương (cụ thể UBND phường xã, khu phố, tổ dân phố, cảnh sát khu vực…) cần thường xuyên theo dõi, nắm chắc địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời. Ngoài ra, cần nâng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi san chiết gas trái phép, kinh doanh gas không an toàn để răn đe các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm”.
Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết thời gian qua đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để phòng cháy nổ từ gas. Trong đó có việc tập trung kiểm tra, xử lý các đại lý kinh doanh gas không an toàn, các nhà hàng, quán ăn vi phạm các quy định về PCCC trong việc sử dụng gas… Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TP cũng tập huấn cho các nhân viên kinh doanh gas những kiến thức về phòng chống cháy nổ, tháo lắp thiết bị liên quan đến gas, cách nộp gas an toàn… Tuy nhiên để ngăn chặn triệt để các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng gas, không để xảy ra cháy nổ từ gas là điều không đơn giản, đòi hỏi nhiều cấp nhiều ngành cùng vào cuộc mạnh mẽ, có giải pháp cụ thể. Đại tá Trần Thanh Châu kêu gọi người dân khi phát hiện có cá nhân, doanh nghiệp san chiết gas trái phép, sử dụng gas không an toàn hãy gọi vào số 114 để cảnh sát PCCC can thiệp, xử lý nhanh, không để sự cố cháy nổ xảy ra.