Siết trách nhiệm về an toàn PCCC

|

Thời gian qua, tình hình cháy nổ tại các nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh diễn biến phức tạp (chiếm 27,3% trên tổng số 790 vụ cháy trên địa bàn TPHCM). 

Một vụ cháy tại hộ kinh doanh gần chợ Kim Biên
Trong khi đó, trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn PCCC giữa địa phương cũng như các sở ban ngành vẫn chưa xác định rõ. Vì thế, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 11-9-2017 nhằm nâng cao trách nhiệm và tăng cường các giải pháp phòng ngừa, kiềm chế số vụ cháy và hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra trong nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

Hiểm họa rình rập khu dân cư


Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP có gần 2 triệu hộ gia đình; trong đó có trên 300.000 hộ gia đình ở kết hợp với kinh doanh, dịch vụ; 397.000 cơ sở kinh doanh sản xuất, trong đó có gần 28.700 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Đa phần được xây dựng trước năm 1975, phân bổ ở các quận nội đô, xung quanh các chợ, tuyến phố kinh doanh mua bán các loại hàng hóa dễ cháy như quần áo, giày dép, bông vải sợi, vàng mã, hóa chất, nhà nghỉ, nhà trọ, cửa hàng tiện ích... Những nơi này xây dựng không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng; không đảm bảo an toàn PCCC; diện tích nhỏ từ 20m2 - 100m2, thường tận dụng mặt bằng tầng trệt làm khu vực kinh doanh, kết hợp sử dụng diện tích còn lại làm khu sinh hoạt của gia đình.

Đồng thời, kết cấu nhà những nơi này thường là xây dựng hình ống liền kề, san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Trong khi đó, điều kiện sản xuất, kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp: nơi đun nấu, thờ cúng gần sát các vật liệu dễ cháy, số người tập trung thường đông. Để đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, lắp đặt, gia cố các lồng sắt bảo vệ; lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà.  

Đáng chú ý, hệ thống điện tại những nơi này được người dân câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện lão hóa, mất khả năng cách điện; thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém, bố trí lắp đặt các thiết bị bảo vệ và tiêu thụ điện, đường dây dẫn điện, hệ thống chiếu sáng để gần nơi vật liệu dễ cháy.

Bên cạnh đó còn là việc trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy thiếu về số lượng, không đảm bảo chất lượng, không được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, không biết sử dụng phương tiện chữa cháy hoặc biết nhưng không thành thạo.

Chủ hộ gia đình, chủ cơ sở thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC, chưa có ý thức tự trang bị các kiến thức cơ bản về thoát nạn. Do không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói… dẫn đến khi có cháy xảy ra, ngoài gây thiệt hại lớn về tài sản còn gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Trên thực tế, hàng loạt vụ cháy nhà dân từ đầu năm đến nay đã minh chứng rõ nét.

Tăng cường trách nhiệm 

Để triển khai Chỉ thị số 12 của UBND TPHCM, Cảnh sát PCCC TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 426/KH-PCCC-P2 đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc. Nội dung chú trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu UBND TP ban hành quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

Trong kế hoạch này, đáng chú ý, Cảnh sát PCCC TP sẽ tổng điều tra khảo sát về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Đồng thời có kế hoạch tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và kế hoạch tổng kiểm tra công tác an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Rà soát, kiểm tra, hướng dẫn bổ sung phương án chữa cháy, phương án cứu nạn - cứu hộ tại các khu dân cư nằm trong khu vực trọng điểm về an ninh, chính trị; khu dân cư có tính chất phức tạp về cháy nổ. Tăng cường công tác tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ nhiều lực lượng tham gia với nhiều tình huống giả định có tính chất đặc thù… 

UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy trên địa bàn quản lý. Do đó địa phương cần khẩn trương tiến hành công tác điều tra cơ bản, rà soát, nắm tình hình để xác định khu vực, địa bàn, tuyến đường, tuyến hẻm có nhiều hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao để tập trung triển khai thực hiện những giải pháp, phương án phòng ngừa. 

Đồng thời, phối hợp Cảnh sát PCCC TP triển khai những biện pháp ngăn chặn cháy lan đối với những khu vực tập trung nhiều nhà ở có cấu kiện xây dựng bằng vật liệu dễ cháy và hướng dẫn những nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất tạo những lối thoát nạn khẩn cấp, trang bị dụng cụ, thiết bị thoát nạn để dự phòng trong trường hợp xảy ra cháy nổ; có phương án ứng cứu khi xảy ra cháy nổ những hộ gia đình có người neo đơn lớn tuổi, người mất khả năng vận động. Trước khi cấp phép cho hộ gia đình hoạt động kinh doanh, sản xuất kết hợp với nhà ở phải tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình thực hiện những điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC; trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, thoát nạn, cứu người cần thiết… Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép, xử lý nghiêm đối với các công trình quảng cáo vi phạm quy định nhằm đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, tổ chức thoát nạn, cứu người và phòng ngừa cháy lan, ngăn tụ khói khi xảy ra cháy.

Tổng công ty Điện lực TPHCM có trách nhiệm tổ chức công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện những thông tin, kiến thức về sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy nổ. Tổ chức thực hiện việc khảo sát, hướng dẫn, tư vấn sử dụng điện an toàn đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất.
Sở Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh các loại dụng cụ, thiết bị bảo vệ, dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện… lưu thông trên thị trường TP nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, gây nguy hiểm cho người sử dụng, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.