Rèn qua lửa, trưởng thành từ lửa

|

Những ngày tháng 10 vừa nắng vừa mưa, thử thách sức chịu đựng của con người. Ở các thao trường, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an TPHCM hăng say tập luyện cho hội thao PCCC nhân đợt kỷ niệm Ngày toàn dân PCCC. \r\n

Thượng úy Trần Thành Phát cùng đồng đội đưa nạn nhân mắc kẹt trong cống thoát nước ra ngoài

Kể cả khi không có nhiệm vụ được giao, đã làm người lính cứu hỏa thì lúc nào cũng phải ở tư thế sẵn sàng xung trận. 

Vui buồn nghề đặc biệt

Để trở thành những người lính chữa cháy, CNCH thật sự, các anh phải tôi luyện qua lửa và trưởng thành từ lửa, để khi đứng trước đám cháy ngay lập tức có thể nhận định tình hình, xác định được khả năng nguy hiểm, đưa ra những quyết định đúng trong chiến thuật tấn công. Còn khi không có tiếng chuông báo cháy thì các anh lại gồng mình dưới cái nắng gay gắt để tập luyện, nâng cao sức khỏe, nâng cao nghiệp vụ, hoặc tuyên truyền, huấn luyện kiến thức, kỹ năng PCCC cho người dân để họ cũng sẽ trở thành những chiến sĩ trên mặt trận chống giặc lửa. 

Thượng úy Trần Thành Phát, cán bộ đội công tác chữa cháy - CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM) tâm sự: “Nghề chữa cháy vui buồn thì nhiều lắm và cả những khó khăn vất vả của những lần tham gia chữa cháy cũng không thể kể hết được. Nhưng nếu vì thấy nghề chữa cháy nguy hiểm, vất vả rồi chùn bước thì ai sẽ là người bảo vệ tính mạng và tài sản cho dân bây giờ?”. Nói về những niềm vui, anh Phát kể, một tháng có khi các anh tham gia chữa cháy và cứu nạn hàng chục vụ; nhiều vụ tưởng chừng như không thể cứu được nạn nhân, bởi khi các anh nhận được tin báo và tiếp cận hiện trường thì đã hơn 3 giờ so với thời gian xảy ra sự việc. Có một lần, tầm hơn 8 giờ sáng ngày 28-8-2019, anh Phát cùng đồng đội xuất quân chi viện vụ cứu nạn tại cống thoát nước phía sau Công ty FPT Khu Công nghệ cao (phường Tân Phú, quận 9). Khi các anh đến nơi thì mực nước đã che kín miệng cống. Trong khi theo người nhà nạn nhân trình báo thì nạn nhân tên là Lương Văn Dư đi vào trong cống thoát nước để bắt cá từ 3 giờ sáng đến nay chưa thấy trở ra. Cả gia đình nạn nhân không còn hy vọng nên gào khóc thảm thiết khi thấy các anh đến. Nghĩ còn nước thì còn tát, nếu chẳng thể cứu được nạn nhân thì ít ra phải tìm được thi thể để giao lại cho gia đình lo hậu sự, các anh triển khai ngay đội hình lặn với đầy đủ trang thiết bị đi sâu vào bên ống cống tìm kiếm. Vừa mò mẫm từng bước một anh vừa hô to và rọi đèn pin từng ngóc ngách để kiếm tìm sự phản hồi từ phía nạn nhân. Sau 4 giờ ngụp lặn trong nước thải hôi thối, thiếu oxy, thiếu ánh sáng, anh bắt đầu mệt lã thì nhìn thấy một đốm sáng cách mình 100m, anh mừng rỡ tiến lại gần thì nhìn thấy nạn nhân đang trong tình trạng hoảng loạn cực độ, gần như rơi vào trạng thái mất nhận thức. Anh cùng đồng đội thay nhau trấn an tư tưởng và giúp anh Dư phục hồi sức khỏe. Sau gần 30 phút, khi anh Dư dần hồi phục thì cả đội đưa nạn nhân ra ngoài. Nhưng do anh Dư không biết bơi nên việc đưa ra ngoài gặp rất nhiều cản trở, mấy lần nạn nhân ngộp thở vì thiếu oxy. Vật lộn với dòng nước và những trang thiết bị nặng cồng kềnh suốt 3 giờ liên tục, anh và đồng đội đều đuối sức. Nhưng nếu không cố gắng để thoát ra khỏi ống cống này, thì chính bản thân anh và nạn nhân đều có thể ngạt thở dẫn đến tử vong. Khi anh Phát cùng đồng đội đưa anh Dư ra được bên ngoài, gia đình nạn nhân đã thật sự vỡ òa trong hạnh phúc. Một lần nữa, họ quỳ lạy liên tục bởi chẳng biết làm gì hơn để cám ơn các anh.

Luôn sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh 

Cuộc sống đời thường bình dị như bao người, nhưng trong công việc, các chiến sĩ phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bởi giặc lửa không chờ mình sẵn sàng mới bùng phát, nó đến bất ngờ. “Nhiều khi anh em đang ăn uống hay tắm rửa cũng phải buông đũa, sộc vội quần áo lên xe đi luôn, có khi mang theo cả dao cạo râu lên xe vì đang cạo dang dở”, một chiến sĩ trẻ hóm hỉnh chia sẻ. Chiến đấu trên một mặt trận không tiếng súng, đối với những người lính chữa cháy và CNCH không đồng nghĩa là không có hy sinh và hiểm nguy. Bỏ lại những toan tính thiệt hơn, vất vả hay sợ hãi, công việc của các anh vẫn cứ sẵn sàng và bắt đầu mỗi ngày liên tục sau khi có tiếng chuông báo cháy. 

10 giờ 16 phút ngày 11-7-2019, ký túc xá Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (số 937 đường Trần Hưng Đạo, quận 1) xảy ra sự cố cháy. Ký túc xá nằm sát Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, sự cố cháy lại xảy ra vào giờ bệnh nhân khám bệnh rất đông. Do vậy, khi tiếp cận hiện trường cháy, một cảnh tượng hỗn loạn diễn ra trước mắt các anh. Hàng chục chiếc băng ca đẩy nạn nhân chạy ra ngoài, hàng trăm bệnh nhân chân tay còn băng bó ngồi trên xe lăn, vật dụng y tế, chăn màn rơi vãi khắp nơi. Rất nhiều nạn nhân la hét, ra tín hiệu cầu cứu trên các tầng của chung cư. Khói khí độc bao trùm toàn bộ chung cư, mỗi ngày một dày đặc khiến cho cư dân mắc kẹt lại trên đó ho sặc sụa. Ngay lập tức, hàng chục lính cứu hỏa tỏa đi các mũi, chữa cháy, cứu người bị nạn, trấn an tinh thần các nạn nhân mắc kẹt trên cao; đồng thời giải cứu họ xuống đất an toàn. 

Đã rất nhiều lần chứng kiến những anh lính cứu hỏa đối mặt với giặc lửa, tôi đều thốt lên câu hỏi: Vì sao các anh không chọn cho mình nghề khác để an nhàn hơn mà lại chọn nghề này với bao hiểm nguy, khó khăn và vất vả? Khói bụi, sức nóng có khi lên đến 1.000oC táp thẳng vào mặt, cháy xém da thịt; mùi nước bùn hôi thối của các loại chất thải, của xác chết động vật và thi thể các nạn nhân, vậy mà vẫn ngụp lặn. Với nụ cười hiền và ánh mắt đăm chiêu, Đại tá Nguyễn Văn Hữu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TPHCM, nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi đơn giản chỉ gói gọn trong 8 từ Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ. Nhưng để thực hiện được nhiệm vụ đó thì không hề giản đơn chút nào. Nghề này kỳ lắm, đã gắn bó với nghề thì nó như là cái nghiệp không thể bỏ được. Cũng đã có những lúc gặp khó khăn tưởng chừng chùn bước, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc từ bỏ nghề thì ai cũng vậy, thấy lòng buồn không diễn tả được. Thế là có chuông báo cháy lại lao vào để dập lửa, lại ngâm mình trong nước bùn hôi thối để tìm kiếm nạn nhân. Nghề chúng tôi là vậy mà”. 

Hàng trăm vụ cháy, nổ được cứu chữa kịp thời, hàng trăm người dân được cứu thoát khỏi hiểm nguy cũng đủ để hiểu được đằng sau những thành tích mà những người lính cứu hỏa Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TPHCM có được hôm nay, họ phải đánh đổi bằng sự an nguy của mình để có được tình yêu thương người dân giành cho lực lượng. Nghề nghiệp nào cũng có hy sinh. Nhưng có lẽ, những gì mà lực lượng cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ ngày đêm đang làm là một trong những hy sinh thầm lặng. Nơi nào cần các anh đều có mặt, không ngần ngại làm nhiệm vụ di chuyển nạn nhân tới nơi an toàn, chỉ mong làm tròn trách nhiệm “Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”.

Khi lính cứu hỏa bắt cướp

Đang ngồi trước ghế đá đơn vị sau giờ tập thể thao buổi chiều, Trung sĩ Nguyễn Thiết Trung, chiến sĩ Đội chữa cháy - CNCH Khu vực 4, thấy 1 thanh niên phóng xe máy tốc độ chóng mặt ngang qua cổng rồi va chạm với một chiếc xe máy khác; cú va chạm quá mạnh làm đối tượng ngã xuống đường. Anh cùng đồng đội chạy ra đỡ thanh niên này đứng dậy, vừa lúc đó một phụ nữ tri hô cướp cướp và chỉ tay về phía người thanh niên. Đối tượng lập tức vùng chạy.

Trung sĩ Nguyễn Thiết Trung xoay người quật ngã đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng rất hung hãn, rút dao đâm loạn xạ, gồng mình chống cự để trốn thoát. Sau 2 phút giằng co, vật lộn, bị dao của đối tượng gây thương tích, nhưng nhờ sự hỗ trợ của đồng đội, Trung sĩ Nguyễn Thiết Trung đã khống chế được đối tượng đưa về trụ sở Công an phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) và bàn giao tài sản cho người bị hại. Khi nhận lại tài sản, chị Nguyễn Thị Phương Trúc (thường trú tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) xúc động và bất ngờ khi biết được người bắt được tên cướp, lấy lại tài sản cho mình là một người lính cứu hỏa. Chị cười nói: “Tôi tưởng lính cứu hỏa chỉ biết có chữa cháy thôi chứ”.