Lặng thầm nghề cứu nạn cứu hộ

|

Ngâm mình trong dòng nước lạnh, có khi hôi thối nặng mùi, rà từng mét vuông trên sông nước tìm tung tích, thi thể nạn nhân; trèo lên những tòa nhà cao tầng, nóc nhà, trụ điện để khống chế những kẻ ngáo đá hay băng mình qua ngọn lửa để cứu người, cứu tài sản, đó chính là công việc thường ngày của những người lính phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (Phòng PC07), Công an TPHCM. \r\n

Cứu người là nhiệm vụ thiêng liêng 

Thời gian vừa qua, một trong những công việc mà lực lượng CNCH thực hiện nhiều đó là lặn tìm thi thể các nạn nhân đuối nước do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn, sự cố tàu thuyền đâm nhau, trời mưa trơn trượt, học sinh gặp nạn khi rủ nhau tắm ao, hồ, sông, biển... Trong đó, thực tế nhiều vụ CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC được người nhà nạn nhân, người dân và công an địa phương cung cấp thông tin là do nạn nhân tự tử. Cho dù vì lý do nào đi nữa, khi nhận được thông tin, lực lượng luôn tập trung quân số lên đường ngay, dù đó đang là thời điểm giãn cách xã hội khó khăn đi lại hay ngày bình thường mới.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM mò tìm thi thể một nạn nhân tự tử
Như mới đây, lực lượng CNCH, Phòng PC07 đã đầm mình nhiều tiếng đồng hồ dưới dòng kênh Tàu Hủ để tìm thi thể anh N.T.L (SN 1983, ngụ tỉnh Long An). Trước đó, sáng sớm, Phòng PC07 nhận được tin báo có người nhảy kênh Tàu Hủ tự tử. Phòng PC07 đã triển khai các đội hình lặn tìm liên tục và nỗ lực đến trưa thì tìm được thi thể anh L.

Chia sẻ về quá trình tìm kiếm nạn nhân, trung sĩ Lê Thành Trung, Đội công tác PCCC, Phòng PC07 kể lại: “Nạn nhân được tìm thấy cách vị trí ban đầu 200m. Khi nghe tiếng khóc của người nhà nạn nhân đau đớn vì mất đi người thân, chúng tôi dặn lòng sẽ cố gắng hết sức để tìm kiếm, nhằm làm dịu phần nào nỗi đau của họ. Sau 3 tiếng đồng hồ triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã tìm được thi thể anh L. và bàn giao cho gia đình để lo hậu sự”.

Trước đó, đội cũng nhận được điện thoại từ chị Đinh Thị Hồng Gấm (huyện Bình Chánh) khi chị phát hiện 1 xe máy, 1 đôi dép nữ màu xanh phía trước nhà, dưới ao sát nhà có một chiếc nón bảo hiểm màu xanh nổi lềnh bềnh, nghi có người tự tử. Chưa chắc chắn vụ việc lại đang trong thời điểm cả TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đội đã ngay lập tức lên đường. Từ thông tin tiếp nhận được, lực lượng CNCH, Phòng PC07 đã triển khai 10 bình lặn, 2 dây cứu hộ, 1 phao an toàn để tìm kiếm. Kênh có diện tích 3.000m2, sâu 5m, dòng nước chảy xiết, cán bộ chiến sĩ khi lặn tìm liên tục đụng phải rác thải sinh hoạt, kẽm gai, hố lấy bùn của người dân, nhiều gốc cây, nhánh cây, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nhưng các chiến sĩ vẫn kiên nhẫn mò tìm từng khúc ao... Hơn 3 giờ sau, lực lượng đã tìm thấy thi thể nạn nhân, danh tính được xác định là Võ Thành T. (sinh năm 1994, ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM). Lực lượng CNCH đã bàn giao thi thể nạn nhân cho công an địa phương. Ngay khi về đơn vị, cán bộ chiến sĩ đã được phun khử khuẩn toàn bộ người và phương tiện chuyên dụng, đồng thời phải cách ly, đảm bảo test nhanh âm tính an toàn mới tiếp tục làm nhiệm vụ khác cùng các đồng đội. 

“Bản thân mọi người ai cũng sợ và đề phòng trước sự nguy hiểm của dịch Covid-19, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là cứu người, cứu tài sản cho người dân nên trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng đều thực hiện nhiệm vụ với cái tâm của tình người, với trách nhiệm của người lính CNCH”, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội PCCC, Phòng PC07 chia sẻ. “Có những vụ lực lượng lặn 3 lần, mỗi lần 4-5 tiếng đồng hồ, vừa về nghỉ được một lúc, người nhà nạn nhân gọi điện anh em lại đi tiếp. Anh em phải lặn liên tục, có những vụ nghiêm trọng, anh em chúng tôi lặn cả vào ban đêm để tìm kiếm nạn nhân”, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành chia sẻ thêm. 

Nghề của áp lực cao

Là người dày dạn kinh nghiệm, có thâm niêm lâu năm trong công tác CNCH trên cạn cũng như dưới nước, Đại úy Nguyễn Trường Nam, cán bộ Đội Công tác chữa cháy, Phòng PC07 tâm sự: “Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người bị nạn dưới nước khó hơn tìm kiếm trên bờ. Vì ở dưới nước nhiệt độ lạnh, không có ảnh sáng, cán bộ chiến sĩ như người mù, từng bước tìm kiếm nạn nhân bằng cách dùng tay mò tìm theo các đội hình CNCH. Đặc biệt là trong những vụ tự tử hay các vụ án hình sự, cán bộ chiến sĩ thường thực hiện nhiệm vụ ở những nơi có vị trí khó tiếp cận. Có những nơi là cống nước ngầm tại những bãi đất hoang, là khu vực sình lầy chứa xác động vật, xác người chết, là khu vực hố tiêu của người dân, là giếng nước sâu chứa nhiều khí độc. Anh em cán bộ chiến sĩ làm công tác CNCH rất khổ, vất vả, nguy hiểm vì ở bên dưới đó có thể là dòng nước xoáy, mình gặp chướng ngại vật sắc nhọn như miểng chai, miểng sắt, miểng sành, có khi lo mắc vào lưới hoặc ngán nhất là những vật liệu nổ. Nhiều lúc anh em lặn 5-6 tiếng đồng hồ dưới nước, lúc lên đói khát, lạnh run, đi không ai biết về không ai hay”. 

Nhớ lại lần thực hiện nhiệm vụ lặn mò thi thể nạn nhân phục vụ công tác điều tra phá án cách đây hơn 10 năm, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành kể lại: “Đó là tại hố bom chứa nước thải sinh hoạt của khoảng 30 hộ dân tại huyện Bình Chánh. Họ làm cầu tiêu thải thẳng xuống đó. Chúng tôi phải mò tìm từng đoạn xương của nạn nhân. Anh em tác nghiệp, dòi nó bò lổn nhổn trên người, nhưng vẫn cố gắng nhặt từng mảnh xương răng, xương hàm, đủ các bộ phận của nạn nhân để phục vụ công tác điều tra phá án. Không gian khi đó hôi kinh khủng, chuột chết bốc mùi ra sao thì ở đây gấp 10 lần như vậy”. Nhiều chiến sĩ CNCH cho biết, lặn tìm tang vật vụ án khó hơn tìm thi thể nạn nhân. Có những vụ án, cán bộ chiến sĩ phải lặn suốt cả tháng trời dưới sông mới tìm được tang vật. Từ những lần tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt, độc hại như thế, lực lượng CNCH không ít người đã bị những bệnh liên quan đến nghề nghiệp: “Tôi bị viêm da, bị ù tai, giờ là viêm tai giữa, cảm giác như bị điếc. Lặn về da bị dị ứng nó nổi như mề đay, bị nhiễm trùng, viêm xoang, viêm mũi, viêm họng mãn tính suốt 6 tháng trời phải đi chích thuốc, chích kháng sinh liên tục, năm nào cũng chích”, thiếu tá Nguyễn Chí Thành kể.

Trải qua những vất vả trong công việc như thế nhưng khi chúng tôi hỏi có bao giờ suy nghĩ bỏ nghề thì các anh luôn mỉm cười và lắc đầu vì lý do: “Công việc này mang tính nhân văn cao cả, mỗi lần cứu được người là trong lòng chúng tôi vui lắm. Có thể niềm vui ấy kéo dài đến cả tuần, còn vui hơn bắt được vàng”. Với tình yêu nghề tha thiết và những thành tích đạt được trong công tác CNCH trên địa bàn TPHCM, lực lượng Cảnh sát PCCC đã được lãnh đạo cấp trên ghi nhận và người dân thương yêu, mến phục. Qua đó, đã góp phần tô thắm thêm bảng vàng danh dự của người chiến sĩ công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. 

Thời gian vừa qua, Tổng đài 114 Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TPHCM nhận được nhiều cuộc gọi yêu cầu CNCH người ngáo đá, có ý định tự tử. “Các anh có lưỡng lự không, vì đi thì đủ thứ rắc rối có thể kèm theo?”, tôi thắc mắc. Thiếu tá Nguyễn Chí Thành tâm sự: “Trên đời này không gì nhân văn bằng cứu người. Mình không phân biệt già trẻ, người có công hay là tội phạm, là người ngáo đá. Nhiệm vụ mình tới là để cứu người, mình không thể không làm, mặc dù biết là khó khăn, có thể bị thương, thậm chí là tình huống xấu nhất phải hy sinh. Thứ nhất để không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Sau đó mình thuyết phục, động viên, nói chuyện. Mình dùng mọi biện pháp nghiệp vụ, bình tĩnh xử lý tình huống để cứu họ. Chưa bao giờ lực lượng cứu hộ đi mà để người ta chết. Có nhiều trường hợp bị ngáo đá, sau khi dã thuốc, nạn nhân tỉnh lại, có người ôm chầm lấy mình rồi khóc. Như vậy mình đã tái sinh cuộc đời họ lần nữa”..