Bài 1: “Mạnh tay” ứng dụng công nghệ

|

Không thể phủ nhận, thời gian qua nhiều sở ngành, quận huyện TPHCM đã mở rộng ứng dụng công nghệ, minh bạch hóa thủ tục giấy tờ. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận.
\r\n \r\n

Chính quyền các cấp cùng các sở ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng thủ tục hành chính vẫn còn rờm rà là nỗi ám ảnh của người dân. Trong ảnh: Người dân lấy số thứ tự chờ làm thủ tục hành chính ở quận 1. Ảnh: KIỀU PHONG
TPHCM đang từng bước chuẩn hóa thủ tục hành chính, tiến tới xây dựng nền hành chính công hiện đại. Thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đã mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp, phương thức để cải tiến rút gọn thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thủ tục rườm rà, khiến người dân, doanh nghiệp phải mệt mỏi. Thực tế trên đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành chức năng của TP cần có sự cải tiến hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
3 ngày có phép xây dựng
Căn nhà hiện hữu xuống cấp, ông Phạm Khắc Thuần (ngụ phường 15, quận 8) quyết định xây mới. Biết quận 8 có tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng qua mạng, ông tìm hiểu quy trình và áp dụng để xin phép xây lại căn nhà với quy mô 1 trệt, 3 lầu. “Các mẫu đơn điền thông tin cụ thể, yêu cầu của bộ hồ sơ rõ ràng nên tôi điền đơn, gửi hồ sơ qua mạng và nhanh chóng nhận được phản hồi từ bộ phận tiếp nhận đơn”, ông Thuần kể.
Tính đến nay, các quận 1, 8, Bình Tân đã cung cấp dịch vụ công cấp phép xây dựng qua mạng. Trong đó, có nơi đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (làm thủ tục qua mạng, thanh toán lệ phí trực tuyến và nhận kết quả tại nhà) nên người dân ngồi nhà vẫn có thể hoàn thiện hồ sơ và nhận kết quả. Kèm theo đó là việc cung cấp ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến với thông tin chi tiết cho từng thửa đất, trong đó có các chỉ tiêu xây dựng như chiều cao, số tầng, lộ giới… Đây là những thông tin hữu ích, giúp người dân lập bản vẽ xin cấp phép xây dựng được chính xác, hạn chế việc phải điều chỉnh.
Đột phá hơn, ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7, cho hay quận đã chuẩn bị phần mềm, tổ chức lấy ý kiến các đơn vị liên quan để triển khai thí điểm rút gọn quy trình cấp phép xây dựng qua mạng theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc ở 4 tuyến đường số 41, 43, 45, 47 phường Tân Quy. Khi đề án này được triển khai, người dân có thể ngồi bất kể ở đâu truy cập vào mạng điền các thông tin về số tờ, số thửa khu đất của mình thì sẽ biết được nơi đó được xây dựng công trình với chiều cao tối đa, khoảng lùi ra sao… Từ đó, người dân đăng nhập các thông tin, yêu cầu thì trong vòng 3 ngày sẽ được cấp phép xây dựng. Nghĩa là người dân hoàn toàn không cần phải đến quận nộp hồ sơ, cũng không phải lập bản vẽ xin phép xây dựng như hiện nay.
Cải cách đón khách quốc tế
Từ tháng 3-2017, bước vào khu vực ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), hành khách dễ dàng nhìn thấy 2 cửa treo bảng điện tử hướng dẫn màu xanh: “Cửa xanh” (Không phải khai báo hải quan - Nothing to declare) và 2 cửa treo bảng điện tử hướng dẫn màu đỏ: “Cửa đỏ” (Phải khai báo hải quan - Goods to declare).
Tại “Cửa xanh”, nhân viên hải quan đứng sẵn, hướng dẫn hành khách chọn luồng sang “Cửa đỏ” để kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn. Những hành khách không có hàng hóa phải khai báo sẽ tiến vào khu vực cửa xanh làm thủ tục. Nếu cơ quan hải quan không phát hiệu bất thường thì hành khách di chuyển qua cửa, thực hiện thủ tục nhập cảnh tiếp theo mà không phải chờ cán bộ hải quan kiểm tra hành lý như trước kia. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, hành khách đến lấy hành lý ký gửi (nếu có) rồi ra khỏi sân bay. Công đoạn mang hành lý sang kiểm tra tại khu vực đặt máy soi của cơ quan hải quan cũng được lược bỏ.
Trong việc phân luồng này, hành khách chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về thông tin mình khai báo. Họ căn cứ vào tình trạng hàng hóa để chọn đi qua “Cửa đỏ” hoặc “Cửa xanh”. Theo thống kê từ Cục Hải quan TPHCM, 95% hành khách trong mỗi chuyến bay được thông quan cửa xanh. Giải pháp phân luồng giảm thủ tục trên được hành khách cả người Việt lẫn người nước ngoài đồng tình. Chị Emi Kawasaki (đến từ Nhật Bản) nhận xét: “So với lần đầu đến TPHCM vào 2 năm trước, bây giờ tôi cảm thấy hài lòng hơn vì thời gian làm thủ tục nhập cảnh đã rút ngắn hơn nhiều. Cũng như tôi, nhiều hành khách tỏ ra khá thoải mái, vui vẻ”.
Ngành hải quan TPHCM cũng đang triển khai đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi tiếp cận thông tin dưới dạng điện tử. Qua đó, doanh nghiệp có thể giảm thiểu nhiều hồ sơ, giấy tờ trong quá trình trao đổi với hãng vận tải cũng như cơ quan hải quan.
Sau một thời gian quận Thủ Đức triển khai cung cấp thông tin quy hoạch trên mạng, hiện mỗi ngày có khoảng 800 lượt tra cứu. Theo ông Trần Hoàng Thanh (ngụ phường Linh Tây), trên địa bàn quận còn nhiều khu vực đất trống, được quy hoạch làm công viên cây xanh, công trình công cộng… Do đó, việc cung cấp bản đồ quy hoạch trực tuyến này rất hữu ích cho người dân, tránh mua nhầm đất đang bị quy hoạch.
Cũng là địa bàn ngoại thành, quận 9 còn có một số lượng lớn người dân chưa làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận nhà, đất (GCN) lần đầu. Do đó, để tạo thuận tiện cho dân, từ tháng 6-2017, UBND quận 9 giao UBND 13 phường thí điểm tiếp nhận, trả hồ sơ đăng ký cấp GCN lần đầu, thay vì phải đến chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 9 như trước. Cách làm này không chỉ giúp người dân đỡ phải nhọc công đi lại mà còn giảm tải cho chi nhánh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp GCN.