“Có người đứng đầu sợ trách nhiệm nên không sử dụng hết quyền của mình”

|

“Vai trò của người đứng đầu phải dẫn dắt được tổ chức để hoàn thành trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, dẫn dắt định hướng người lao động. Người đứng đầu có tư chất xác định trách nhiệm của mình làm là cho tổ chức, cho công việc rồi mới đến bản thân”, GS. Nguyễn Hữu Khiển nêu ý kiến.

Sáng 3-5, tại Bộ Nội vụ, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước chủ trì hội thảo khoa học “Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước”, hội thảo có sự tham gia của nguyên các lãnh đạo Bộ Nội vụ, các chuyên gia và lãnh đạo một số cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Các chuyên gia, các nhà khoa học nêu ý kiến tại hội thảo hầu hết đề nghị cần tăng trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đồng thời đi đôi với trách nhiệm và quyền hạn cũng phải được phân cấp tương xứng. Có như vậy, người đứng đầu mới làm hết trách nhiệm và mang lại hiệu quả hành chính, hiệu quả quản lý trong quá trình làm việc.

Toàn cảnh Hội thảo tại Bộ Nội vụ sáng nay. Ảnh: GIA KHÁNH

Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước Nguyễn Ngọc Vân cho rằng, ngoài đời, mọi người thường nói “thủ trưởng nào phong trào đó”, tuy nhiên điều này cần có cơ sở minh chứng. Trong thực tế công tác, chưa xác định được cơ sở căn cơ để nói về trách nhiệm người đứng đầu nên văn bản ban hành ra một thời gian lại sửa đổi. Do đó, ông Nguyễn Ngọc Vân đề nghị trách nhiệm người đứng đầu cần có cụ thể như thế nào, trách nhiệm gồm những gì?

“Phải rõ việc này, đồng thời làm rõ cơ sở, điều kiện thực hiện trách nhiệm người đứng đầu. Điều kiện pháp lý phải đồng bộ, thống nhất, chứ không để tình trạng ai cũng nói trách nhiệm người đứng đầu, nhưng thực ra họ không có điều kiện để thực hiện. Phải thông suốt giữa quyền và trách nhiệm”, ông Vân cho biết.

Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, người đứng đầu phải xác định được trên 3 mặt: vị trí; vai trò và trách nhiệm của họ. Lãnh đạo đã nắm chắc được 3 mặt trên mà có toàn quyền làm được hay không vẫn là vấn đề. Người đứng đầu hiện nay ở nhiều nơi ngẫu hứng và tùy tiện.

Theo GS. Nguyễn Hữu Khiển, nếu người đứng đầu tử tế họ luôn luôn nghĩ tới trách nhiệm, trách nhiệm liên quan tới quyền hạn.

Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước Nguyễn Ngọc Vân. Ảnh: GIA KHÁNH

“Vai trò của người đứng đầu phải dẫn dắt được tổ chức để hoàn thành trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, dẫn dắt định hướng người lao động. Người đứng đầu có tư chất xác định trách nhiệm của mình làm là cho tổ chức, cho công việc rồi mới đến bản thân”, GS. Khiển nêu ý kiến.

Cũng theo quan điểm của GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, việc lựa chọn người đứng đầu có yếu tốt lịch sử, trước kia không cần văn bản, giấy tờ, nhưng người được lựa chọn vẫn làm rất tốt công việc của mình. Lựa chọn người đứng đầu có thể dựa vào yếu tố lịch sử và thể chế.

Cơ chế chọn người đứng đầu càng đơn giản, người đứng đầu càng tốt, cùng với đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm kèm theo.

“Có cả hệ thống trách nhiệm người đứng đầu. Con đường chọn càng đơn giản thì người đứng đầu càng tốt, ở ta hình thức chọn thì tốt, nhưng vẫn còn hệ lụy không tốt. Càng phức tạp thì càng loãng  trách nhiệm người đứng đầu” GS. Khiển đề nghị.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng cho hay, trách nhiệm người đứng đầu, trong thực tế thực hiện rất khó. Bởi, ở địa phương, ngoài quy định của Đảng và Nhà nước, có thêm quy định đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành của các sở ngành, huyện, thành phố, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, xếp loại thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, làm cơ sở xem xét thi đua, khen thưởng.

“Rõ ràng, gắn với trách nhiệm thì hiệu quả công tác, hiệu quả công việc được nâng lên”, ông Trọng khẳng định.

Dẫn chứng lại vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình khiến 9 người chết, các cơ quan tham mưu đề nghị cần cách chức giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bởi đó là trách nhiệm người đứng đầu phải chịu, mặc dù không trực tiếp tham gia, nhưng đã giao cho khoa và bác sĩ liên quan thực hiện.

“Đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Khi áp dụng thực tế, cụ thể trách nhiệm đến đâu cũng là cả vấn đề. Bí thư giao cho Sở Nội vụ nghiên cứu để sử lý trách nhiệm, Sở yêu cầu các cá nhân kiểm điểm, các cá nhân chỉ nhận hình thức khiển trách, còn không ai nhận trách nhiệm. Nói là các văn bản, các quy định của chúng ta đầy đủ, nhưng trên thực tế rất khó khăn với việc xác định trách nhiệm người đứng đầu. Giám đốc sở GD-ĐT Sơn La, Hà Giang vẫn ung dung khi để xảy ra sai phạm, chưa biết sử lý như thế nào. Do đó quy định phải rõ ràng, cụ thể để khi xảy ra sự việc sẽ dễ xử lý trách nhiệm”, ông Trọng đề nghị.

Cùng với các ý kiến nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các đại biểu, nhà khoa học đề nghị thêm việc có thêm cụ thể các chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm tại đơn vị mình đứng đầu.

Bày tỏ ý kiến đồng thuận với nhiều đại biểu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, trách nhiệm người đứng đầu nói chung thời gian qua chưa được thực hiện tốt, nhất là khi có sai phạm xảy ra. Có thể là người đứng đầu cấp sở đã tránh né trách nhiệm, do đó các đề xuất của chuyên gia cần trao đổi kỹ, nghiên cứu, và có quy định cụ thể cho rõ ràng. Có thực trạng người đứng đầu không sử dụng hết quyền của mình vì sợ trách nhiệm, có người sử dụng quá quyền năng của mình, nên thành lạm quyền, do đó cần quy định cụ thể trong thời gian tới.