Sắp xếp khu phố, ấp: Hoàn thiện bộ máy cơ sở để hoạt động hiệu quả

|

Hơn 2 tháng đi vào hoạt động sau khi thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên (gọi tắt là sắp xếp) khu phố, ấp trên địa bàn theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 14-3-2024 của HĐND TPHCM, tại nhiều địa phương, một số công trình đã được triển khai hiệu quả. Song, trong quá trình thực hiện, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Quang (bìa trái), Bí thư Chi bộ Khu phố 4, phường 14, quận 5 hướng dẫn người dân chung cư tại khu phố sử dụng tủ PCCC. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Tạo sự đồng thuận từ những cách làm hay

Chiều chủ nhật giữa tháng 6, bà Trần Thị Thùy Nga, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường 9, quận Phú Nhuận (TPHCM) ghé qua trò chuyện với một số hộ dân trong hẻm 423 đường Nguyễn Kiệm. Nghe đa số người dân đang trông chờ ngày nâng cấp hẻm và chuẩn bị cho việc đi lại khá bất tiện trong thời gian thực hiện nâng cấp hẻm, bà Nga cho biết, đầu tháng 7, hẻm 423 đường Nguyễn Kiệm sẽ được nâng cấp. Đây sẽ là con hẻm cuối cùng của khu phố 2 được nâng cấp khang trang.

Gần 2 tháng trước, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 9, quận Phú Nhuận công bố và ra mắt các khu phố mới. Khoảng 2 tuần sau, 5 thành viên trong Ban điều hành khu phố 2 đã đến từng cụm dân cư trong khu phố để ra mắt người dân. “Chúng tôi giới thiệu để người dân biết về ban điều hành khu phố mới, số điện thoại từng thành viên, một số hoạt động sẽ thực hiện và lắng nghe ý kiến người dân”, bà Nga chia sẻ. Bằng cách làm này, trong 10 ngày, Ban điều hành khu phố 2 đã gặp gỡ và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đại diện hơn 520 hộ dân.

Tại các buổi ra mắt, ban điều hành cũng xin ý kiến các nội dung sẽ thực hiện, trong đó có việc nâng cấp hẻm 423 đường Nguyễn Kiệm và một số công trình phát triển mảng xanh, các khoản đóng góp theo quy định. Để kết nối người dân, Ban điều hành khu phố 2 thành lập nhóm trên Zalo để thông tin các vấn đề trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Trưởng khu phố 7, phường 4, quận 8 thăm hỏi người dân sinh sống trên đường Tạ Quang Bửu. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Thực hiện chủ trương của TPHCM là chuyển đổi số từ khu phố, khu phố 6, phường Bến Nghé (quận 1) lập các nhóm trên mạng xã hội để chuyển tải thông tin đến người dân thuận lợi hơn. Dù vậy, ông Trần Quang Tuấn, Trưởng khu phố 6, cho biết, việc chuyển đổi số, cập nhật các thông tin theo “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) chủ yếu là các thông tin cần biết. Song, việc vận động, thuyết phục người dân muốn hiệu quả thì phải hiểu từng hộ dân, thậm chí là từng người. “Đây cũng là rào cản của trưởng khu phố trong hoạt động do địa bàn rộng mà nhân sự ít”, ông Trần Quang Tuấn bày tỏ.

Kết quả sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TPHCM

Từ 27.377 khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, sau khi sắp xếp, TPHCM có 4.861 khu phố, ấp được thành lập mới. Qua đó, nhân sự từ trên 64.000 người đã tinh giản còn gần 43.800 người.

- Số phường, xã, thị trấn thực hiện sắp xếp: 299/312

- Số phường, xã, thị trấn giữ nguyên hiện trạng, ranh giới khu phố, ấp: 13

- Số khu phố, ấp mới: 4.861

Trong đó: + Số khu phố mới: 3.654

+ Số khu phố đạt 500 hộ gia đình trở lên: 3.618

+ Số khu phố dưới 500 hộ gia đình: 36

+ Số ấp mới: 1.207

+ Số ấp đạt 350 hộ gia đình trở lên: 1.205

+ Số ấp dưới 350 hộ gia đình: 2

Sớm có quy chế hoạt động

Từ 5 khu phố, 92 tổ dân phố và 1 tổ tự quản, 5 chung cư, có 6.245 hộ dân với 22.824 nhân khẩu, phường 9, quận Phú Nhuận sắp xếp thành 12 khu phố mới. Ông Trần Thanh Hà có nhiều năm làm tổ phó tổ dân phố với gần 50 hộ dân. Sau khi địa phương sắp xếp lại khu phố, ông Hà được bầu làm Trưởng khu phố 7, phường 9, quản lý 515 hộ dân. Ông Hà cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc ông và các thành viên trong ban điều hành khu phố cần thêm nhiều thời gian để sâu sát, hiểu, quan tâm, đồng hành và hỗ trợ người dân.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thuận, Trưởng khu phố 33, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), cho rằng, ở cấp phường, chủ tịch UBND được cấp phó hỗ trợ, có thêm công chức phụ việc. Còn khu phố chỉ có mỗi trưởng khu phố nên việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế. Nhất là nội dung vận động đóng góp, ủng hộ các nguồn thu. Từ đó, ông Thuận mong muốn sớm bổ sung chức danh Phó trưởng khu phố, Phó Ban Công tác Mặt trận để giảm áp lực công việc cho trưởng khu phố.

Cùng gặp khó khăn trên, khu phố 6, phường Bến Nghé đã giải quyết bằng cách sắp xếp, vận động nhân sự các đoàn thể tham gia làm đại diện các khu tự quản. Ông Trần Quang Tuấn cho biết, may mắn là hầu hết tổ trưởng tổ dân phố trước đây đã từng tham gia các đoàn thể khu phố nên khi lực lượng này tiếp tục làm “chân rết”, giúp khu phố bám sát địa bàn thì nhận được sự tin tưởng của người dân.

Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, bên cạnh thuận lợi, quá trình hoạt động của ban điều hành tại khu phố, ấp mới vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Đó là khu phố, ấp không có văn phòng, chưa được bố trí điểm sinh hoạt tập trung, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động còn thiếu, chưa được bố trí kinh phí hoạt động, các thành viên chưa nhận được phụ cấp hàng tháng theo quy định... Ngoài ra, TPHCM vẫn chưa ban hành quy chế hoạt động khu phố, ấp.

Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12 Võ Thị Ngọc Lan cho hay, sau khi sắp xếp, công tác quản lý hộ dân ở mỗi khu phố được chặt chẽ, việc gần dân, nắm bắt tình hình nhân dân trong khu phố tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, do sắp xếp từ 5 khu phố thành 30 khu phố nên việc bố trí địa điểm sinh hoạt cho các khu phố còn gặp khó khăn. Hiện một số khu phố sử dụng chung địa điểm sinh hoạt. Ngoài việc linh động mượn trung tâm học tập cộng đồng, UBND phường cũng đề xuất sửa lại một số công sản cũ để các khu phố sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, công tác sắp xếp khu phố, ấp tại TPHCM được thực hiện nghiêm túc theo lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy TPHCM. TPHCM cũng thường xuyên xin ý kiến của các cơ quan Trung ương trong quá trình sắp xếp. Đến ngày 15-4, tất cả các phường trên địa bàn thành phố đã tổ chức công bố Nghị quyết số 11/NQ-HĐND của HĐND TPHCM.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổng kết công tác sắp xếp khu phố, ấp gắn với tổ chức tuyên dương, ghi nhận công lao của các cô, chú đã từng tham gia hoạt động ở khu phố, ấp. Đồng thời, hướng dẫn các hoạt động quản lý, sử dụng trụ sở khu phố, ấp; quản lý việc chi tiêu các nguồn chi cho hoạt động khu phố, ấp. Bên cạnh đó, ban hành quy chế mẫu về tổ chức hoạt động của khu phố, ấp; tập huấn, bồi dưỡng các chức danh người hoạt động không chuyên trách tham gia vào hoạt động của khu phố, ấp. Thành phố khuyến khích các địa phương xây dựng nền tảng số để trao đổi, chia sẻ thông tin trong nội bộ các khu phố, ấp ở địa phương. UBND TPHCM cũng kiến nghị Thành ủy TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đặc biệt là MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, quan tâm xây dựng những đề án phát triển lực lượng chính trị nòng cốt ở các khu phố, ấp mới.

Bà NGUYỄN THỊ THANH THẢO - Bí thư Đảng ủy phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM: Lắng nghe, trao đổi với từng khu phố

Để tháo gỡ khó khăn cho các khu phố, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 9 đã tổ chức 2 cuộc giao ban về tình hình hoạt động sau khi sắp xếp khu phố mới. Lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường cũng thường xuyên lắng nghe cấp ủy, ban điều hành khu phố trao đổi nên vừa chỉ đạo những việc khu phố làm để đạt hiệu quả, vừa hướng dẫn những khu phố gặp khó khăn học tập kinh nghiệm khu phố làm tốt; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng… Đồng thời, phường ban hành kế hoạch để tổ chức cho nhân sự khu phố mới được giới thiệu, ra mắt đến các hộ dân, nhằm giúp người dân biết rõ nhân sự khu phố mới, từ đó hỗ trợ, giúp sức khu phố mới hoạt động hiệu quả.

Ông NGUYỄN VĂN DŨNG - Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM: Gặp khó với chung cư cao cấp

Sau khi sắp xếp khu phố, phường 22, quận Bình Thạnh từ 7 khu phố tăng lên 26 khu phố, trong đó có 13 khu dân cư và 13 khu chung cư. Hiện nay, phường 22 chỉ mới thành lập được 23/26 Ban Công tác Mặt trận, còn 3 khu phố ở các chung cư cao cấp vẫn còn tìm kiếm nhân sự. Thực tế, việc xây dựng, phát triển hội viên trong các chung cư cao cấp là rất khó và đang trong thế bí. Để vào được những tòa nhà này phải có thẻ từ của cư dân, nếu không thì phải thông qua ban quản lý chung cư. Để tháo gỡ, tôi kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp với UBND TPHCM trao đổi với các chủ đầu tư, ban quản lý chung cư nhằm xây dựng quy chế, tiêu chí hoạt động khu phố trong các chung cư cao cấp.