Tinh gọn bộ máy: Chuyển dịch cung cấp dịch vụ công sang đơn vị sự nghiệp

|

Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, khi các đơn vị sự nghiệp công được giao làm dịch vụ công sẽ tạo sự năng động, nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị; giảm tải cho các cơ quan quản lý nhà nước để đơn vị này tập trung làm công tác tham mưu.

Ngày 22-11, tham luận tại hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới” do Thành ủy TPHCM tổ chức, các đại biểu đã đề cập nhiều khía cạnh trong việc tinh gọn bộ máy.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết, thời gian qua, thành phố đã thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả như thành lập Sở An toàn thực phẩm, Trung tâm Chuyển đổi số, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0. Sắp tới, TPHCM ra mắt Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố cũng đã phê duyệt đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 để phụng sự người dân và kiến tạo phát triển.

Một trong những khó khăn hiện nay là tỷ lệ đồng bộ hồ sơ lên cổng dịch vụ công quốc gia còn khiêm tốn. Trong đó, dịch vụ công toàn trình một phần chỉ mới đạt 12,6%; dịch vụ công toàn trình đạt 28,86% trong khi Trung ương yêu cầu đạt 90%. Việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm.

Mặt khác, việc sắp xếp giảm đầu mối, đơn vị sự nghiệp công lập hàng năm giảm 2% khó thực hiện do nhu cầu phục vụ khám chữa bệnh và trường học cho người dân ngày càng tăng cao. Trách nhiệm của cán bộ, công chức nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu chưa được phát huy.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Ngọc Quốc Thuận thông tin tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Xác định chuyển đổi số là công tác quan trọng trong quản lý, thực hiện tinh gọn bộ máy, thành phố sẽ vận dụng tối đa Nghị quyết 31, Nghị quyết 98 để xây dựng chính sách chuyển đổi số hoạt động trên môi trường số có tính chất vượt trội nhằm kiến tạo phát triển kinh tế số, xã hội số…

Cùng đó, TPHCM cũng đẩy mạnh phân cấp ủy quyền với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát với thực tế, giải quyết kịp thời, nhanh hơn cho người dân thì giao cho cấp đó phân cấp, ủy quyền.

Cũng theo đồng chí Võ Ngọc Quốc Thuận, việc xây dựng cơ cấu tổ chức các bộ máy, cơ quan hành chính TPHCM căn cứ vào quy định, nghị định, bộ, ngành Trung ương mà gần đây nhất là Nghị quyết 98, Nghị định 84 để tổ chức, sắp xếp, chuyển dần sang hiện đại với hiệu quả cao. Tổ chức bộ máy bên trong cơ quan, đơn vị cũng được sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối, chức năng nhiệm vụ được rà soát, đảm bảo hợp lý, dần khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa lĩnh vực y tế, góp phần giảm số lượng người làm việc được giao, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước sang từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định, đề cao trách nhiệm các cấp có thẩm quyền, xem xét trên cơ sở, tiêu chuẩn, kết quả công việc; xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đồng chí Võ Ngọc Quốc Thuận thông tin, sắp tới, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM nghị quyết về chế độ, chính sách hỗ trợ thêm với các cán bộ, công chức, viên chức không đủ điều kiện tái cử, thuộc chính sách dôi dư.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đầu năm 2025, TPHCM cũng sắp xếp, giảm 39 phường và còn 273 xã, thị trấn (hiện nay là 312 phường, xã, thị trấn). Sau sắp xếp 80 phường, thành phố dôi dư 988 người; sắp xếp, bố trí lại với 1.481 người. Với số cán bộ dôi dư, thành phố có kế hoạch giải quyết trong ba năm gần nhất.

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, để tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cần có sự chuyển dịch cung cấp dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội sang đơn vị sự nghiệp công lập. Theo PGS-TS, việc này giúp giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, để các đơn vị tập trung làm công tác quản lý nhà nước, tập trung làm công tác tham mưu. Khi các đơn vị sự nghiệp công lập được giao làm dịch vụ công sẽ tạo sự năng động, nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị. Để làm được thì cần có cơ chế giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ, tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

"Nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, trong đó có các dịch vụ giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sản phẩm du lịch, văn hóa thể thao… Các đơn vị sự nghiệp công khi tự chủ sẽ tăng tính cạnh tranh với đơn vị bên ngoài. Nếu không có tự chủ, không có thẩm quyền thì sẽ đi không nhanh, thua ngay trên chính thị trường của chúng ta, dẫn đến chất lượng dịch vụ công ngày càng giảm đi về chất lượng", PGS-TS Nguyễn Tấn Phát nhìn nhận.