Chưa thể lên chuyên nghiệp

|

Bóng chuyền vẫn đang tìm đường lên chuyên nghiệp - tức là nỗ lực tách khỏi “bầu sữa” ngân sách của các địa phương, tự tìm kiếm nguồn tài trợ để hoạt động và tồn tại. 

Hiện có không ít đội bóng thuộc diện tự chủ được kinh phí như Ngân hàng Công thương, VTV Bình Điền Long An, Hóa chất Đức Giang Hà Nội (nữ) hay Sanest Khánh Hòa ở giải nam. Nhưng số lượng như thế vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu phát triển, hay nói theo cách khác, “tỷ lệ chọi” kiểu này rất khó để thúc đẩy bóng chuyền thực sự chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp. Đấy là chưa kể, ngoài một số đội vẫn đang “sống nhờ” vào nguồn ngân sách địa phương, những ngành đặc thù có đội bóng tham gia cuộc chơi như quân đội, công an vẫn được cho là chưa “fair-play” về cơ chế chuyển nhượng VĐV theo nhu cầu của thị trường.  
Để tiến lên chuyên nghiệp, các đội bóng phải tự chủ được  kinh phí hoạt động, lực lượng VĐV…                    Ảnh: HÀ HƯNG
 Về cơ bản, theo tính toán của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV), trong một vài năm tới, số lượng các đội bóng xuất hiện ở giải vô địch quốc gia phải dừng ở con số 16 (8 đội nam và 8 đội nữ), để đảm bảo chất lượng chuyên môn của giải đấu luôn ở mức khá trở lên, chứ không làng nhàng như hiện nay.
Ngoài ra, các đội bóng nếu muốn gia nhập và trụ lại hạng đấu cao nhất, dứt khoát phải sở hữu một lực lượng VĐV có chiều sâu, được đầu tư bền vững từ nguồn ngân sách địa phương kết hợp với xã hội hóa. Kéo theo đó, các quy định, chế tài, đội ngũ trọng tài, giải pháp điều hành… của VFV cũng sẽ được chuẩn hóa để bóng chuyền thực sự mới mẻ và tạo được hiệu ứng và sức hút đối với người hâm mộ cả nước. Không thể so sánh với bóng đá, bởi lẽ môn thể thao vua vốn dĩ luôn có được một tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội, nhưng ít ra bóng chuyền cũng có “nguồn” cổ động viên riêng và luôn theo sát những bước đi cũng như sự tiến bộ của các cá nhân và tập thể, tổ chức đang tham gia vào “ngôi nhà bóng chuyền Việt Nam”. Có điều, chuyên nghiệp hóa vẫn đang là ý tưởng, hoặc từng nảy sinh trong cách làm của một số người tâm huyết với bóng chuyền trước đây, bởi cuộc chơi hiện tại chỉ dừng ở mức nghiệp dư. Phải thừa nhận rằng, trong một giai đoạn rất dài - kể ra cũng gần cả thập niên qua, bóng chuyền Việt Nam phát triển mạnh về bề nổi, rất nhiều giải đấu ra đời, rất nhiều nhà tài trợ nhảy vào cuộc chơi… Nhưng sau đó cũng rất nhanh chóng rơi vào hụt hẫng sau khi loại ngoại binh khỏi giải vô địch quốc gia, lộ ra một lỗ hổng lớn về công tác đào tạo VĐV trẻ và sự thiếu bền vững trong cách thức đầu tư của các ông bầu, doanh nghiệp. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn do thiếu một thủ lĩnh đích thực, người có khả năng điều hành và định hướng phát triển một cách đàng hoàng cho bóng chuyền Việt Nam. Đã qua đến 2 đời Chủ tịch VFV, nhưng kể cả cựu Chủ tịch VFV Lê Minh Hồng lẫn người đương nhiệm Lê Văn Thành cũng chỉ là cái bóng của chính mình, hoặc bị cấp dưới (vừa giữ vai trò trong VFV lại vừa giữ chức vụ trong Tổng cục TDTT) qua mặt, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong một thời gian dài. Mà không chỉ bóng chuyền, nhiều liên đoàn thể thao khác ở Việt Nam vẫn đang bị chi phối bởi công tác quản lý nhà nước, vẫn có không ít quan chức của ngành TDTT tham gia quản lý và chi phối hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này, thế cho nên bộ máy mới chạy ì ạch và không “phất” nổi.