Nguồn thu nào cho giải bóng chuyền vô địch quốc gia

|

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia đã và đang tìm kiếm thêm những nguồn tài trợ để có nguồn lực tổ chức đảm bảo chất lượng chuyên môn tốt nhất.

Bóng chuyền Việt Nam luôn chờ những khán đài đông khán giả ở giải vô địch quốc gia. Ảnh: MINH MINH

Khi trao đổi về câu chuyện giải bóng chuyền vô địch quốc gia hiện có những nguồn thu như thế nào, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường đã chia sẻ rằng giải đấu đã và đang nỗ lực tìm những nguồn tài trợ tốt nhất để ban tổ chức tổ chức giải tốt nhất.

Sau giai đoạn giải bóng chuyền vô địch quốc gia khép lại các gói tài trợ của các đơn vị tới từ ngành dầu khí thì vào năm 2021 Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã ký được gói tài trợ với tập đoàn FLC và gắn kết tên gọi của thương hiệu này cùng giải đấu. Thậm chí khi đó, nhà tài trợ trên cũng bỏ chi phí (đã được thông báo là 1 tỷ đồng) để tài trợ cho giải bóng chuyền hạng A toàn quốc 2021. Đáng tiếc, gói tài trợ đã không thể kéo dài do những khó khăn của thương hiệu trên. Bây giờ, giải bóng chuyền vô địch quốc gia đang nhận gói tài trợ kéo dài 3 năm (bắt đầu từ năm 2022) từ Tập đoàn của doanh nhân Đào Hữu Huyền và giải gắn tên với thương hiệu trên. Khi Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam công bố nhà tài trợ trên, gói tài trợ được thông báo là trong khoảng từ 3,5 tỷ đồng-4 tỷ đồng/năm.

Tổng thưởng của giải bóng chuyền vô địch quốc gia đang là 2 tỷ 280 triệu đồng trong đó mỗi đội vô địch (nam, nữ) sẽ nhận phần thưởng là 500 triệu đồng/đội. Mức thưởng trên vẫn đang là nhiều nhất từ trước tới nay của môn bóng chuyền tại giải quốc nội thuộc hệ thống quốc gia.

Các giải bóng chuyền thuộc hệ thống thi đấu quốc gia gồm giải trẻ, giải hạng A toàn quốc và giải vô địch quốc gia đang được tường thuật trực tiếp trên hệ thống của VTVCab. Câu hỏi đặt ra rằng với việc được tường thuật trực tiếp như vậy thì liệu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam bán được bản quyền truyền hình hay không. Ghi nhận thực tế, việc tường thuật trực tiếp đang thực hiện theo các chương trình phối kết hợp, hợp tác. Nghĩa là giá trị bản quyền truyền hình chưa có và chưa bán được. Giai đoạn trước đây, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng bán được bản quyền truyền hình với trị giá khoảng 500 triệu đồng/năm cho Đài truyền hình kỹ thuật số - VTC để tường thuật trực tiếp giải. Tuy nhiên, mọi người hiểu rằng khoản 500 triệu đồng một phần được thực hiện khi đó vì đơn vị VTC có đại diện là ủy viên ban chấp hành của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Thời gian gắn kết giữa 2 bên không được lâu do đơn vị VTC khó khăn về kinh phí.

Nếu bán được bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia và có nguồn thu cao, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cùng ban tổ chức giải đấu phải chia sẻ lợi nhuận cho các đội bóng tham dự. Bởi vì, họ là một phần làm nên giải đấu và nguyên tắc của thể thao chuyên nghiệp là phải thực hiện điều này. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có ban tài trợ, tài chính truyền thông và mọi người chờ sự làm việc hiệu quả từ nhân sự của ban này.

Một mặt khác, giải bóng chuyền vô địch quốc gia chưa quy định bắt buộc các đơn vị tổ chức bán vé vào theo dõi. Việc bán vé hay không bán vé phụ thuộc ban tổ chức từng địa điểm diễn ra. Đại đa số lấy mục tiêu phục vụ khán giả nên phần lớn nhiều địa phương tổ chức giải bóng chuyền vô địch quốc gia mở cửa tự do. Dẫu vậy, không phải lúc nào khán đài nhà thi đấu môn bóng chuyền cũng đông người ngồi theo dõi.

Giải bóng đá vô địch quốc gia (V.League) đang là giải đấu bán được bản quyền truyền hình của một môn thể thao có giá trị lớn nhất ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sức hút của bóng đá là đặc thù và các đơn vị thấy được sự phát triển tốt ở thị trường này nên sẵn sàng đầu tư. Bóng chuyền là môn có sức hút với xã hội. Người hâm mộ có thói quen xem thi đấu giải vô địch quốc gia nhưng chắc chắn, nguồn thu từ bán vé của giải đấu là không cao.