HLV Nguyễn Tuấn Kiệt: Nhiệt thành với bóng chuyền nữ

|

Thẳng tính, nghiêm khắc, nhưng khi cần vẫn rất tình cảm với học trò. Những đức tính ấy của HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt giúp ông nhận lại sự nể trọng của các nữ tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam.

Nhiều năm qua, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt lao tâm khổ tứ uốn nắn thế hệ những vận động viên tài năng như Trần Thị Thanh Thúy, Đoàn Thị Lâm Oanh, Hoàng Thị Kiều Trình, Vi Thị Như Quỳnh, Trần Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Trinh,… giúp họ tiến bộ, tạo những màn trình diễn “lột xác”, giàu cảm xúc trước các đội tuyển nữ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Khả năng quan sát, tiếp cận phương pháp huấn luyện mới của nhiều người thầy trong nước và ngoài nước, cộng thêm sự nhạy bén trong tư duy, phân tích tình hình đã tôi luyện nên một HLV đẳng cấp của bóng chuyền Việt Nam.

Trưởng thành từ gia đình giàu truyền thống về thể thao, có cha là HLV bóng chuyền Nguyễn Đăng Khúc và mẹ là bà Hoàng Thị Kim Liên (cựu VĐV bóng chuyền), Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ: Bố tôi là người luôn đề cao quan điểm bảo vệ VĐV trên hết. Tôi xuất thân từ vị trí chuyền hai, nên luôn khắt khe với các VĐV chơi ở vai trò này, bởi đấy là ngọn nguồn sức mạnh, là nơi khởi phát lối chơi và quyết định lớn đến thành công của một đội bóng.

Mạnh mẽ, quyết liệt, khó tính, nhưng khi cần, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt lại trở thành một chuyên gia tâm lý, luôn lắng nghe, chia sẻ với học trò. Liệu pháp tinh thần là những lời động viên thật lòng, là những nụ cười khích lệ, là cách góp ý chân thành từ khu kỹ thuật của vị HLV sinh năm 1976 đã thực sự tạo dựng cho các tuyển thủ một tâm lý vững vàng, tự tin.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt và các tuyển thủ nữ Việt Nam tại Cúp các CLB bóng chuyền nữ châu Á 2023. Ảnh: PHÚC NGUYỄN

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt nói: Mỗi VĐV là một phần không thể thiếu trong một tập thể. Thi đấu chính hay vào sân từ ghế dự bị, tất cả VĐV đều quan trọng, nắm giữ một vai trò đặc biệt. Chiến thắng luôn được xây nên từ những điều như thế.

14 tuyển thủ của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam ra sân bình đẳng như nhau, không có bất cứ sự thiên vị nào. Nhiều gương mặt xuất sắc vẫn được tin dùng, đồng thời có không ít

VĐV trẻ triển vọng được trao cơ hội, thậm chí vào sân thi đấu chính thức.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt và ban huấn luyện dồn nhiều tâm huyết vào giai đoạn vừa rồi để có khoảng 4-5 tháng định hình lối chơi mới cho đội tuyển nữ Việt Nam. Như Thanh Thúy có sự thay đổi tích cực về chuyên môn; VĐV chuyền hai Lâm Oanh và Kim Thoa ổn định phong độ, giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chơi có màu sắc hơn. Các vị trí khác trên sân đều sẵn sàng “chia lửa” nhờ di chuyển linh hoạt, chắc tay khi bật lên tấn công.

Năm 2023, bóng chuyền nữ là điểm nhấn đặc biệt ở đấu trường quốc tế, khi lần đầu vô địch Cúp CLB châu Á, 2 lần góp mặt ở giải thế giới (FIVB Challenge Cup và Cúp CLB nữ thế giới 2023). Bóng chuyền nữ Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận được trình độ và lối chơi hiện đại của bóng chuyền thế giới. Đây là thành quả, cũng là sự mong đợi không chỉ của riêng HLV Nguyễn Tuấn Kiệt mà còn cả người hâm mộ bóng chuyền nước nhà.