Điều chỉnh quy chế hoạt động để đảm bảo chất lượng hàng hóa

|

\

Như vậy, trong thời gian tới, nếu các địa phương, doanh nghiệp (DN) không tích cực tham gia đề án sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”. 
Còn nhiều vướng mắc
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sau 4 tháng triển khai, đề án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tại các kênh phân phối hiện đại, do hoạt động chăn nuôi, giết mổ và cung cấp thịt heo vào hệ thống đã được chuẩn hóa, các đơn vị tham gia là những DN lớn, có uy tín, thương hiệu, thực hiện bài bản, nghiêm túc, đầy đủ và chuyên nghiệp các quy trình của đề án. Sức lan tỏa từ đề án đến cộng đồng người tiêu dùng ngày càng tăng, xu hướng mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ đang trở nên phổ biến. Biểu hiện rõ nhất là sản lượng thịt heo của các DN tham gia đề án đã tăng bình quân khoảng 15% - 20%, thậm chí có hệ thống siêu thị sản lượng thịt bán ra tăng đến 30% so với thời điểm chưa thực hiện đề án. 
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai đề án tại hệ thống phân phối truyền thống cho thấy, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các tỉnh thành lân cận cung cấp thịt heo cho thị trường TP khá lớn. Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đăng ký tham gia đề án hoặc đăng ký nhưng chưa cung cấp heo, kể cả các cơ sở chăn nuôi của TPHCM; chưa có thói quen sử dụng và tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nên việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn.  
Theo đó, công tác phối hợp với các địa phương vẫn chưa tích cực do có tâm lý không phải nhiệm vụ của địa phương và muốn có chủ trương chính thức từ các cấp tỉnh hoặc trung ương để có cơ sở phối hợp thực hiện. Do thiếu sự phối hợp nên dẫn đến tình trạng thông tin từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển về TPHCM không được kết nối, việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn, gây hiểu nhầm việc thực hiện truy xuất nguồn gốc chỉ mang tính hình thức, lãng phí, không hiệu quả và thiết thực. Mặt khác, việc thực hiện các quy trình của đề án cũng làm phát sinh thêm vài thao tác so với trước đây. 
Nuôi heo VietGAP tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG
Qua trao đổi tại các buổi làm việc, cơ quan thú y có ý kiến việc hiện nay đề án chưa có quy định về xử phạt, chưa có cơ sở pháp lý và văn bản quy phạm pháp luật quy định, do đó cơ quan thú y không có cơ sở để xử lý vi phạm theo đúng quy định của đề án. Số lượng máy quét dự trù, phân bổ cho cơ quan thú y một số tỉnh thiếu và thiếu kinh phí sử dụng dịch vụ 3G nên cũng gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của các cơ quan này. Tại một số điểm tập kết heo xuất đi do cơ quan thú y quản lý ở khu vực vùng sâu, vùng xa không có wifi, 3G, sóng điện thoại chập chờn nên không thực hiện được việc kích hoạt truy xuất nguồn gốc.
Còn một nguyên nhân khách quan, đó là việc triển khai đề án vào thời điểm việc tiêu thụ heo trên thị trường gặp khó khăn, giá heo giảm mạnh (do Trung Quốc ngưng mua hàng) nên tạo thêm áp lực cho các cơ sở chăn nuôi khi phát sinh thêm chi phí mua vòng nhận diện (6.000 đồng/vòng/con), cùng với một số thao tác phát sinh thêm như đeo vòng, kích hoạt cung cấp thông tin…
Sẽ áp dụng đồng bộ quy định 
“Việc triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng khó đến mấy, TPHCM cũng kiên trì thực hiện vì mục tiêu lâu dài là mang lại nguồn thực phẩm sạch cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân”, ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định.
Theo kế hoạch, Sở Công thương tiếp tục triển khai rộng rãi đề án tại TPHCM và các tỉnh nhằm tăng số lượng cơ sở chăn nuôi heo và điểm bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc. Trong tháng 7-2017 sẽ tập huấn và hướng dẫn thương nhân các chợ đầu mối thực hiện thao tác kích hoạt cung cấp thông tin khi nhập heo và niêm phong thùng xe vận chuyển khi chở heo về các chợ bán lẻ. Trong tháng 8 và 9-2017 sẽ tập huấn và hướng dẫn tiểu thương các chợ bán lẻ thực hiện thao tác kích hoạt cung cấp thông tin khi nhập heo và dán tem truy xuất khi bán heo cho người tiêu dùng.
Song song đó, từ tháng 7-2017, đề án khuyến khích và hỗ trợ các trang trại, cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện thực hiện giai đoạn 2 của đề án - truy xuất quá trình từ khi heo sinh ra cho tới lúc xuất trại. 
Bên cạnh đó, cuối tháng 5-2017, Sở Công thương tham mưu, trình UBND TPHCM đề án Truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm và sẽ công bố trong tháng 6-2017.
Nhằm bảo đảm tiến độ đề án, Sở Công thương kiến nghị UBND TPHCM  thống nhất với các tỉnh áp dụng đồng bộ quy định tất cả con heo đưa vào các cơ sở giết mổ của TP và các tỉnh cũng như tất cả heo mảnh đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối của TP phải có đầy đủ thông tin truy xuất trên vòng nhận diện trong thời gian sớm nhất có thể. 
Cụ thể, tại cơ sở giết mổ, cơ quan thú y kiểm tra và kích hoạt vòng xuất trại màu cam, niêm phong thùng xe chở sản phẩm. Sau khi giết mổ, cơ quan thú y phải kiểm tra các mảnh heo có đầy đủ vòng nhận diện chứa thông tin truy xuất và kích hoạt vòng niêm phong thùng xe (màu trắng) trước khi đưa vào TP. Cơ quan thú y kiên quyết không cho xuất heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện/vòng niêm phong để đưa vào TP. 
Tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, khi xe vận chuyển heo mảnh vào chợ, cơ quan thú y, Ban An toàn thực phẩm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vòng niêm phong và vòng nhận diện đeo chân sau mảnh heo. Các cơ quan này và ban quản lý chợ đầu mối kiên quyết không cho nhập heo mảnh vào chợ kinh doanh, nếu không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện/vòng niêm phong. Tại chợ bán lẻ, ban quản lý chợ kiểm tra và chỉ cho nhập chợ các xe vận chuyển thịt heo được niêm phong và có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng niêm phong.
Để thực hiện được các nội dung trên, Sở Công thương đề nghị UBND TPHCM bổ sung kinh phí thực hiện đề án năm 2017 để hỗ trợ các cơ sở tham gia đề án và các cơ quan, đơn vị, ngành liên quan thuộc các tỉnh thành lân cận (hỗ trợ thêm máy, thiết bị và chi phí wifi, 3G và chi phí tập huấn); đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng tham gia truy xuất nguồn gốc. Có ý kiến chỉ đạo đơn vị Công viên Phần mềm Quang Trung tiếp tục hỗ trợ chi phí thuê máy chủ phục vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu liên quan đến đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo và thịt gia cầm, trứng gia cầm. Có ý kiến chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đơn vị chủ trì thực hiện dự án LIFSAP và các chợ xây dựng chợ an toàn thực phẩm, trong đó lồng ghép đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đối với UBND các quận huyện khi cấp phép hoạt động cho các cơ sở giết mổ, phải đưa việc thực hiện đề án như một điều kiện bắt buộc. 
Mới đây, tại cuộc họp sơ kết 4 tháng triển khai đề án, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao nhiệm vụ cho Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành chức năng và các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch điều chỉnh lại quy chế hoạt động của các chợ theo hướng đảm bảo chất lượng hàng hóa và thực hiện truy xuất nguồn gốc, tiến tới việc áp dụng đồng bộ quy định đối với mặt hàng thịt heo khi đưa vào TPHCM.