6 tháng đầu năm 2017: Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,2%

|

Sở Công thương TPHCM vừa tổ chức họp báo định kỳ 6 tháng đầu năm 2017 về hoạt động của ngành và triển khai một số công tác trọng tâm những tháng cuối năm. 

Giao dịch thương mại tại chợ Bến Thành
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,51% so với cùng kỳ (ngành chế biến thực phẩm và đồ uống tăng 5,02%, điện tử tăng 12,74%, hóa chất - cao su - nhựa tăng 0,93%, cơ khí tăng 19,82%, dệt may tăng 3,82%...); tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 449.914,7 tỷ đồng, tăng 10,2%. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng mức và tăng 12,1% so với cùng kỳ. 
Sở Công thương cũng triển khai các chương trình, đề án trọng điểm như chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, đề án thành lập trung tâm kinh doanh hương liệu hóa chất, đề án quy hoạch phát triển ngành logistics, công nghiệp hỗ trợ, công tác tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (xăng E5).
Về công việc trong những tháng cuối năm, Sở Công thương tiếp tục tập trung các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp lần 2 (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7-2017). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án, quy hoạch ngành và triển khai các đề án, quy hoạch đã được duyệt. Hoàn thiện các cơ sở, dữ liệu công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo thông tin kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau và giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm theo chương trình kích cầu đầu tư của TP; thành lập tổ theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ và kết quả triển khai đối với các dự án kích cầu được phê duyệt.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, sở đẩy mạnh chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường kết hợp thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để khai thác tiềm năng, thị trường các địa phương và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp TP.
Theo đó, phát triển điểm kinh doanh mặt hàng bình ổn, gian hàng kiểu mẫu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, thương hiệu của các chợ truyền thống. Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại nội địa nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của doanh nghiệp TP tại các tỉnh, thành trong cả nước; đồng, thời đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả, ngăn chặn đầu cơ, buôn lậu, phối hợp kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá và các mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý giá. Kiên quyết xử lý nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các hành vi vi phạm pháp luật về giá.