Để vốn đến tay doanh nghiệp

|

Tăng trưởng tín dụng tại TPHCM, tính đến cuối tháng 10-2017 đạt 15,57%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP ở mức 20% trong năm 2017, dư địa cho vay trong 2 tháng cuối năm vẫn còn nhiều nên các ngân hàng đang tìm cách để đưa vốn đến tay các doanh nghiệp, đặc biệt trong mùa kinh doanh cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Ký kết cung ứng vốn giữa ngân hàng và các hộ kinh doanh, tiểu thương Ảnh: HUY ANH
 Đưa vốn rẻ đến tiểu thương, hộ kinh doanh
Nói về cơ cấu tín dụng 10 tháng đầu năm 2017 tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TPHCM, cho biết trong tổng mức tăng trưởng gần 16% có đến 58% vốn dành cho sản xuất kinh doanh, 10,8% vốn vào lĩnh vực bất động sản, còn lại là cho vay tiêu dùng và chứng khoán. “Việc tăng trưởng tín dụng trong năm 2017, phần lớn nguồn vốn dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chứ không phải đưa vào các lĩnh vực không khuyến khích”, ông Minh cho hay.
Để đạt được kết quả trên, chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã góp phần rất đáng kể trong việc hướng dòng vốn tín dụng đi đúng hướng. Trong năm 2017, ngoài gói tín dụng do 16 ngân hàng thương mại ký kết vào đầu năm, hiện chương trình đã giải ngân được gần 227.000 tỷ đồng cho 14.144 khách hàng. Đặc biệt, cuối tháng 11-2017, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TPHCM và Sở Công thương TP đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), lần đầu tiên tổ chức hội nghị kết nối riêng biệt cho các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương nhằm chuyển đổi lên doanh nghiệp. Theo đó, Sacombank đã ký kết với 70 khách hàng, cam kết cho vay 190 tỷ đồng với lãi suất 6,9%/năm (vay ngắn hạn), 9%/năm đối với vay trung và dài hạn để các hộ kinh doanh, tiểu thương có điều kiện mở rộng đầu tư trong quá trình chuyển đổi lên doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, tính đến cuối tháng 11-2017, tổng số tiền cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vay theo chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã đạt gần 302.989 tỷ đồng với 15.778 khách hàng vay vốn, đạt 108% so với năm 2016. 
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi,  Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, hiện Sacombank cùng các ngân hàng thương mại đã ký kết với hàng ngàn doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn TPHCM và bắt đầu mở rộng ra các tỉnh, thành khác trên cả nước. Riêng Sacombank đã ký kết hỗ trợ nguồn vốn lên đến 15.300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi tối đa cho nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm đồng hành, hỗ trợ các đơn vị này có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Là tiểu thương được vay vốn tại gói này, ông Phạm Đức Nhân, chủ hộ kinh doanh quần áo, tơ tằm tại chợ Bến Thành, chia sẻ: “5 năm trước, từ một sạp ở chợ với phạm vi kinh doanh hẹp, nay với sự hỗ trợ vốn kịp thời từ Sacombank cùng phương thức trả nợ vay hợp lý, lãi suất ưu đãi, hiện tôi đã sở hữu thêm 4 sạp nữa; đồng thời, mở rộng kinh doanh thông qua việc hợp đồng trưng bày và bán các sản phẩm quần áo, tơ tằm tại các sân bay ở Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt...”.
Tạo điều kiện tiếp cận vốn 
Với hiệu quả của chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình, tiểu thương… đang có nhiều điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại cần có những giải pháp mới trong việc hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc về thủ tục vay cho doanh nghiệp; đồng thời khảo sát nhu cầu, lên danh sách doanh nghiệp cần vay vốn, phân loại xem xét cho vay để chương trình đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn vì hiện vẫn còn doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp vừa và nhỏ TPHCM, cho biết hiện nhiều công ty từng vướng nợ xấu và đã trả được nợ, nhưng tên công ty vẫn bị “treo” ở Trung tâm Thông tin tín dụng  (CIC). Do đó, khi tìm đến các ngân hàng để vay vốn, doanh nghiệp đều bị từ chối vì tên còn trong danh sách “đen”. Theo ông Tuệ, doanh nghiệp đã trả được nợ và phục hồi kinh doanh thì nên xem xét cho vay để vực dậy, chứ thực hiện cứng nhắc theo quy định hiện hành sẽ gây khó cho doanh nghiệp phát triển. 
Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định, theo quy định, danh sách doanh nghiệp nợ xấu chỉ được đưa ra khỏi hệ thống CIC sau 5 năm và điều đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhằm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TPHCM sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút ngắn thời gian doanh nghiệp bị treo trong danh sách. Tuy nhiên, ngoài thông tin trên CIC, việc xét duyệt cho vay của các ngân hàng vẫn căn cứ phương án kinh doanh và trả nợ của doanh nghiệp. Ông Minh cũng thông tin thêm, vừa qua có 33 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền cần vay gần 113 tỷ đồng. Trong đó, thông qua CIC, có 3 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng tại các ngân hàng thương mại có dư nợ 104 tỷ đồng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TPHCM rà soát, kiểm tra và chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp cận, đã có 2/33 doanh nghiệp được hỗ trợ, 3/33 doanh nghiệp đang làm hồ sơ thẩm định, 7/33 doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn đã được các ngân hàng giải thích rõ.
Ông Minh khẳng định, mặc dù nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp dồn dập vào thời điểm cuối năm, nhưng các ngân hàng vẫn đảm bảo nhu cầu vốn cho vay. Tuy nhiên, để tránh phát sinh thêm nợ xấu, dù cơ chế cho vay tín chấp hiện đã mở, nhưng các ngân hàng vẫn xem xét cho vay một cách rất kỹ lưỡng. Chính vì thế, bản thân doanh nghiệp phải minh bạch sổ sách và có phương án kinh doanh rõ ràng mới có thể tiếp cận được nguồn vốn.