Xây dựng cơ sở tra cứu dữ liệu xuất khẩu

|

Vừa qua, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) giới thiệu đề án xây dựng cơ sở dữ liệu tra cứu dành cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam tham gia vào mạng lưới phân phối khu vực châu Âu. 

Cơ sở dữ liệu tra cứu dành cho DN xuất khẩu sẽ cập nhật các thông tin liên quan đến các quy định, ưu đãi thuế, quy chuẩn quốc tế, cách tiếp cận và yêu cầu thu mua của nhà phân phối đối với các nhóm hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm gỗ gia dụng, thủy sản, nông sản (rau hoa quả, cà phê và trà). Cơ sở dữ liệu cũng thông tin về xu hướng, phân khúc sản phẩm, thị trường tiềm năng, những cơ hội đem lại cho DN. Hệ thống tra cứu dữ liệu cũng hướng dẫn DN tra cứu mã HS, đồng thời giải thích ngắn gọn cho từng ngành hàng. Thông qua công cụ này, các DN có thể đối chiếu, so sánh về hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó cải thiện những mặt chưa đạt yêu cầu nếu muốn tham gia hệ thống phân phối toàn cầu.

Tại hội thảo, đại diện bộ phận thu mua các tập đoàn phân phối, bán lẻ của châu Âu như Auchan Kaufland, BigC đã cung cấp cho DN những tiêu chuẩn chung và riêng của từng ngành hàng, giúp các DN tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp hàng xuất khẩu thông qua các hệ thống phân phối hiện hữu tại Việt Nam. 

Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tra cứu dành cho DN Việt Nam tham gia mạng lưới phân phối khu vực châu Âu là hoạt động nằm trong đề án Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng triển khai thực hiện.