Tạo thuận lợi phát triển các cơ sở bán lẻ

|

Phát triển các điểm bán lẻ để mở rộng đầu ra cho hàng hóa, rút ngắn khoảng cách giữa sản xuất và phân phối là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành công thương TPHCM trong năm 2018.

Người tiêu dùng mua giày dép tại một gian hàng ở TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Doanh thu năm 2017 tăng 11,32%
Theo Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2017 ước đạt 923.842,5 tỷ đồng, tăng 11,32% so với năm trước (năm 2016 chỉ tăng 9,11%), vượt chỉ tiêu kế hoạch giao (tăng 9,5%). Trong đó, thương mại bán lẻ ước đạt hơn 594.647 tỷ đồng, tăng 11,29% so cùng kỳ, chiếm 64,37% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ.
Điểm nổi bật trong lĩnh vực bán lẻ năm 2017 là kết quả thu hút đầu tư trong nước với số vốn đăng ký lên tới 89.866 tỷ đồng, tăng 62,5% so với năm 2016, kéo theo sự phát triển đa dạng và xu hướng hiện đại của các cơ sở bán lẻ trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, sự phát triển của phương thức kinh doanh trực tuyến cũng góp phần nâng tỷ trọng của loại hình thương mại hiện đại trên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. 
Về cơ sở bán lẻ, thị trường bán lẻ TP đã phát triển mạnh với nhiều kênh thương mại hiện đại, tạo nhiều điểm mua sắm đa dạng cho người dân, thông qua mạng lưới 207 siêu thị (tăng thêm 18 siêu thị so với cuối năm 2016), trong đó có 116 siêu thị trong nước (chiếm 56%) và 91 siêu thị có yếu tố nước ngoài (chiếm 44%). TP hiện có 43 trung tâm thương mại (TTTM), tăng 3 trung tâm so năm 2016, trong đó có 29 TTTM trong nước (chiếm 66,67%) và 14 TTTM yếu tố nước ngoài (chiếm 33,33%). 
Ngoài ra, hệ thống phân phối hiện đại còn có hơn 1.100 cửa hàng tiện lợi, tăng 218 cửa hàng tiện lợi; trong đó có 752 chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước (chiếm 68,4%) và 348 chuỗi cửa hàng tiện lợi có yếu tố nước ngoài (chiếm 31,6%), bao gồm 169 cửa hàng Co.opFood, 157 cửa hàng SatraFoods, cửa hàng Vissan, Foodcomart, 332 cửa hàng Vinmart+. Các DN trong nước vẫn đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỷ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%. 
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cho dù điểm bán của các DN nước ngoài hiện diện chưa nhiều tại TPHCM, song doanh thu giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài không có sự chênh lệch lớn, lần lượt là 51% và 49% (nếu tính doanh thu cả nước trên kênh phân phối hiện đại thì khối ngoại hiện đang nắm giữ tới 53%). Hiện khối ngoại vẫn đang tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng để làm mới các điểm bán hiện hữu, đồng thời tăng cường thực hiện các thương vụ M&A để mở rộng mạng lưới nên nhiều khả năng doanh thu sẽ có sự đảo ngược ngay trong năm 2018. 
Sẽ hình thành 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Nhằm tạo thêm kênh phân phối cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN TPHCM, thông qua Chương trình hợp tác thương mại, từ nhiều năm qua, các tỉnh thành đã giới thiệu mặt bằng cho DN mở điểm bán mới. Đây cũng là cách khai thác mở rộng thị trường, kết nối 2 chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa của DN các tỉnh thành vào hệ thống phân phối TPHCM và ngược lại. 
Để hỗ trợ DN, ngành công thương đang nghiên cứu và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư hệ thống logistics để phục vụ cho cơ sở hạ tầng bán lẻ tại TPHCM. Sở Công thương TP chỉ đạo Saigon Co.op sớm triển khai đề án phát triển logistics gắn với chương trình xây dựng, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất hạ tầng. Theo đó, sở tiếp tục yêu cầu UBND các quận huyện rà soát mặt bằng có vị trí, điều kiện phù hợp để giới thiệu cho DN phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Theo kế hoạch, đến năm 2025-2030, sẽ hình thành tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam để thiết lập môi trường kinh doanh, giữ được vai trò dẫn dắt thị trường, vươn lên trong cạnh tranh. Xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2020, trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể. Bên cạnh các tiêu chí mang tính định hướng về địa điểm thành lập siêu thị, TTTM, các sở ngành chức năng và UBND các quận huyện phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu cơ bản phục vụ công tác kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Khuyến khích DN đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại các khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư xây mới để thay thế, đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. 
Song song đó, ngành công thương tập trung phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, gắn kết với hệ thống chính trị như hội phụ nữ, đoàn thanh niên phát triển nhanh và mạnh các điểm bán đạt chuẩn về chất và lượng, khuyến khích phát triển tại các quận ven và huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân; đồng thời, tăng tần suất bán hàng lưu động phục vụ công nhân.