Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

|

Kết thúc quý 1-2018, kinh tế TPHCM tiếp tục tăng trưởng cao với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 260.317 tỷ đồng, tăng 7,64%. Đây là mức tăng cao nhất, kể từ năm 2016; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 7,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,25%, nông nghiệp tăng 5,83%.\r\n

Chế biến chả lụa thương hiệu Coopmart cung ứng bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG
Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2018 và phương hướng nhiệm vụ quý 2-2018 của UBND TPHCM cho biết, ngay từ đầu năm 2018, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP tập trung thực hiện các giải pháp như xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù; HĐND TP thông qua 6 nghị quyết chuyên đề để thực hiện Nghị quyết 54; tổ chức các đoàn công tác của TP đi làm việc để góp ý đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm trước và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018 của các sở ban ngành và quận huyện, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ; tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP với chủ tịch UBND của 322 phường, xã, thị trấn để nghe chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương và đề xuất những sáng kiến xây dựng TP trong năm 2018. Mới đây nhất, lãnh đạo TPHCM đã gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp (DN) tiêu biểu để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, đồng thời hiến kế cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững...
Chính sự quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo TPHCM, các sở ngành, cùng đội ngũ DN đã góp phần thúc đẩy kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng cao hơn cùng kỳ của những năm trước, trong đó GRDP ước đạt 260.317 tỷ đồng, tăng 7,64% (cùng kỳ tăng 7,46%). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư, khu vực dịch vụ chiếm 59,5%, khu vực công nghiệp - xây dựng 26,4%, khu vực nông lâm thủy sản chiếm 0,7%. Các ngành dịch vụ phát triển theo hướng nâng tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, giá trị gia tăng cao. Sản xuất nông nghiệp duy trì hoạt động ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 3 tháng ước đạt 4.427,3 tỷ đồng, tăng 5,9% (cùng kỳ tăng 5,6%).
Về đầu tư trong nước, trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng vốn DN đăng ký thành lập mới và bổ sung là 192.967,4 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Về đầu tư nước ngoài, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp mới, tăng vốn) và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các DN trong nước, TP thu hút được 1,28 tỷ USD (tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP trong 3 tháng đầu năm ước đạt 90.830 tỷ đồng, đạt 24,11% dự toán năm và tăng 2,47% so với cùng kỳ.
Về cụ thể, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trong quý 1-2018, các ngành sản xuất phát triển tốt, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,05% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,02%). Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm mức tăng cao, như ngành chế biến lương thực - thực phẩm và đồ uống ước tăng 6,05%. Theo ông Phạm Thành Kiên, lý do ngành hàng này tăng là do tháng 1 sản xuất phục vụ tết, đặc biệt Chính phủ ban hành Nghị định 15 quy định chi tiết một số điều về an toàn thực phẩm, trong đó cắt giảm 90% thủ tục hành chính nên các DN sản xuất lương thực - thực phẩm rất mừng và có sự chuẩn bị phát triển nhanh. 
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng khả quan trong những tháng đầu năm với tổng kim ngạch đạt 7,7 tỷ USD, tăng 10,6% so cùng kỳ; trong đó, một số thị trường xuất khẩu tăng nhanh như Myanmar (tăng gần 350%), Singapore (tăng gần 138%), Tây Ban Nha (tăng 100%), Thái Lan (tăng gần 95%), Malaysia (tăng gần 89%), Trung Quốc (tăng gần 42%)...
Ngoài ra, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP trong quý 1-2018 tiếp tục ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho DN, khách hàng và người dân. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP ước đến cuối tháng 3 đạt 1.795.200 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2017. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đạt 1.518.200 tỷ đồng, tăng 3% so cuối năm 2016 và tăng 19,15% so cùng kỳ.
Tạo cơ chế, chính sách khởi nghiệp
Để tiếp nối những kết quả đạt được, theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong quý 2-2018, TP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra đội ngũ DN ngày càng lớn mạnh. Cụ thể, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến khuyến khích, đẩy mạnh và hình thành phong trào khởi nghiệp sáng tạo.
Nghiên cứu, đề xuất hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn hoàn thiện sản phẩm và tìm kiếm thị trường hoạt động ở nước ngoài và ngược lại có cơ chế, chính sách tiếp nhận các DN khởi nghiệp sáng tạo vào TP, cơ chế chính sách chọn lọc và hỗ trợ cho người nước ngoài khởi nghiệp sáng tạo ở TPHCM.
TP đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Lào, Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời, đẩy mạnh khảo sát, khai thác các thị trường mới như EU, Mỹ, Cuba và một số nước trong khối ASEAN... Thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường, chính sách nhập khẩu của các nước, các hiệp định thương mại (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết...   
Về phía các sở ngành tiếp tục đề ra giải pháp nhằm cải thiện chỉ tiêu năng lực cạnh tranh, tăng trưởng cao. Cụ thể, Sở Công thương tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như khảo sát chuyên sâu, hoàn thành đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”, từ đó dự báo các cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của TP trong bối cảnh mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, xác định các nhóm hàng, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của TP và đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn, trung và dài hạn để phát triển xuất khẩu.
Trong năm 2018, Sở Công thương hoàn thành việc đấu thầu và triển khai thực hiện đề án “Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025”, đề xuất giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng và các trung tâm logistics. Tiếp tục triển khai và thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn cung, ổn định mặt bằng giá cả tại TPHCM.
Ngoài ra, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TP; tiếp tục hoàn thiện chương trình xây dựng và triển khai thương hiệu DN TPHCM sau khi được UBND TP phê duyệt. Đặc biệt, sở tiếp tục tổ chức tiếp xúc để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN; giới thiệu, hướng dẫn DN tiếp cận các cơ chế, chính sách của TP, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.