Trái cây và thực phẩm thuần Việt thắng thế

|

Tết Nguyên đán 2019 là mùa tết thứ hai thị trường TPHCM đón nhận ngày càng nhiều các mặt hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Australia, Mỹ, Pháp, New Zealand…\r\n

 Từ bánh kẹo, quần áo, cho tới hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, điện máy, gia vị các loại, trái cây, thịt bò, thịt gà… khách hàng có thể dễ dàng đọ giá hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu và chọn mua thoải mái. Đây là kết quả từ việc thực thi cam kết trong các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết trước đó, cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức hình thành vào ngày 31-12-2015, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14-1-2019.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, ở nhóm các mặt hàng bánh kẹo tết năm 2019, hàng trong nước đang có dấu hiệu “lép vế” trước nhiều sản phẩm ngoại nhập. Nhiều “đối thủ” đến từ nước ngoài đã bố trí các quầy kệ hoành tránh tại các siêu thị để tiếp thị tận tay với người tiêu dùng, do vậy hiện chỉ còn một vài thương hiệu trong nước có thể cạnh tranh ngang ngửa. Những thương hiệu mạnh trong nước của vài mùa tết trước đang dần vắng bóng trên thị trường.

Nhưng ở nhóm trái cây thì ngược lại. Trái cây nội vẫn được các điểm bán ưu tiên lấy hàng và khách hàng chọn mua nhiều hơn. Các loại trái cây như vú sữa, xoài, thanh long, bưởi, mãng cầu ta… là những mặt hàng bán chạy hơn hẳn so với các loại nho, táo, lê… nhập khẩu. Bởi người tiêu dùng sợ mua trái cây ngoại có dùng chất bảo quản, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, trong khi mua trái cây nội, ngon tươi hơn và đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn, có 90% lượng trái cây cung ứng tết là nguồn hàng đến từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ; trái cây ngoại chỉ có một số mặt hàng như: táo, lê, nho, cam của Mỹ, Trung Quốc, New Zealand… chiếm khoảng 10% trên tổng lượng hàng.

Tết năm 2019, người tiêu dùng đã biết đến một số loại thực phẩm chế biến của Hàn Quốc được sản xuất tại một số DN trong nước, từ kết quả của quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang diễn ra mạnh mẽ. Dù vậy, số lượng các mặt hàng thực phẩm chế biến này vẫn còn rất khiêm tốn so với hơn 10.000 loại sản phẩm của khoảng 500 nhà cung cấp nổi tiếng trong nước như Vissan, Sargifood, Saigon Food, Cầu Tre, Agifish, APT, Minh Phú, San Hà, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… Thực phẩm đông lạnh và chế biến trong nước đã chiếm áp đảo với tỷ lệ đến 95% thị phần. Theo các siêu thị, doanh thu từ bán hàng nội ở nhóm các mặt hàng này cũng chiếm tỷ lệ tương đương với thị phần. Điểm qua các sản phẩm đang bày bán, có thể thấy các nhà sản xuất trong nước đã tận dụng các nguyên liệu từ tôm, cá, ốc, nước luộc thủy sản, rau củ, gạo, bắp để cung cấp cho những món ăn tiện dụng như xôi hải sản chiên, lẩu, BBQ (đặc sản nướng), kho, chả các loại, thực phẩm ăn liền bổ dưỡng, hợp khẩu vị và của đại đa số người tiêu dùng.

Có thể nói, việc không ngừng nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm mới của các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm chinh phục sân nhà của các thương hiệu trong nước. Đây cũng là thành quả của sự tổng lực, chung sức chung lòng của cả cộng đồng, từ các doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng, nhà phân phối cùng nỗ lực đưa hàng Việt lên vị thế mới, cạnh tranh tốt và phát triển bền vững.