Dịch tả heo châu Phi khiến sức mua thịt heo giảm

|

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức, nhằm chia sẻ các kết quả đánh giá ảnh hưởng hội nhập tới ngành chăn nuôi và các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững.\r\n

Chăn nuôi heo đã tạo thu nhập cho hơn 3,4 triệu hộ gia đình, chiếm tỷ trọng 26,9% trong tổng số 9,32 triệu hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Theo đó, chăn nuôi heo đạt mức tăng trưởng 1,5%/năm. Tuy nhiên, trong năm 2019, dịch tả heo châu Phi đã tác động mạnh tới ngành chăn nuôi do chưa có vaccine, không có thuốc điều trị đặc hiệu trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, sự tổn thất khá nặng nề. Đã có trên 5,9 triệu heo bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng đàn; sản lượng thịt heo trong năm 2019 chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. 

Để đánh giá tác động của dịch bệnh tới cung cầu ngành hàng thịt heo, nhóm nghiên cứu của IPSARD đã xây dựng 2 kịch bản mô phỏng dựa trên đàn nái. Với kịch bản 1, với đàn nái bị thiệt hại 10% (tương đương khoảng 580.000 con) và kịch bản 2 với đàn nái bị thiệt hại 20% (tương đương 1.160.000 con). Cùng với các kịch bản nền về sự tăng trưởng GDP, CPI, dân số, tỷ giá, giá nguyên liệu thức ăn… nhóm nghiên cứu chỉ ra dịch tả heo châu Phi có tác động trực tiếp đến nguồn cung thịt heo trong nước, có thể làm giảm từ 20% (kịch bản 1) đến 35% (kịch bản 2) tổng cung thịt heo nội địa tính đến năm 2020.
Do thiếu hụt về nguồn cung sẽ dẫn tới sự tăng giá mạnh mẽ. Theo kịch bản cơ sở, nếu không có dịch tả, dự báo giá heo hơi cổng trại đến 2020 ở mức 46.000 đồng/kg. Dịch tả sẽ khiến giá heo hơi bình quân năm 2019 tăng khoảng 22% (kịch bản 1) và 45,5% (kịch bản 2). Nếu không xảy ra dịch, dự báo sản lượng thịt heo theo kịch bản cơ sở đến năm 2020 sẽ là 3,9 triệu tấn. Sự thiếu hụt về nguồn cung, tăng giá của sản phẩm chính là các yếu tố gây suy giảm tiêu dùng thịt heo trong nước. Tiêu dùng thịt heo nội địa sẽ giảm 14,6% (kịch bản 1) và giảm 25% (kịch bản 2). 
Riêng tại thị trường TPHCM, theo các sở ngành chức năng, do giá thịt heo tăng cao khiến tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường trong thời gian qua giảm khoảng 20%. Trong đó, kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm mạnh (khoảng 30%); nguyên nhân do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, ngại mua kênh chợ truyền thống. Riêng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng do giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như thịt gia cầm, rau củ quả tăng 10%-15% do là sản phẩm thay thế thịt heo, giá ổn định. 
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện giá thịt heo hơi đã bắt đầu hạ nhiệt, trong khi giá con giống khá cao, khiến việc tái đàn của các nông hộ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các chính sách của Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ các địa phương, DN xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; hỗ trợ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất sang ngành nghề khác; phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ… Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đáp ứng nguồn cung thịt trong nước. Kiểm soát tốt công tác tái đàn, đồng  thời tăng cường công tác cảnh báo sớm và thông tin dự báo thị trường...