Hàng hóa dồi dào, doanh thu bán lẻ tăng ổn định

|

4 tháng đầu năm 2020, nhiều ngành sản xuất của TP đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, nhưng riêng nhóm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ vẫn rất dồi dào, phong phú, cung đảm bảo cầu, giá cả ổn định. Do thực hiện quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm so với cùng kỳ, riêng bán lẻ vẫn duy trì sức mua tăng trưởng ổn định.\r\n

Thực phẩm thiết yếu bán dồi dào tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1%

Theo Sở Công thương TPHCM, dịch Covid-19 đã tác động đến nguồn cung ứng và giá cả các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN), làm thay đổi thói quen tiêu dùng và ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa, qua đó đã tác động đến tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu trên địa bàn trong quý 1-2020.

Cụ thể, trong tháng 3-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,4% so với tháng trước nhưng giảm 6,6% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, IIP ước giảm 1% so cùng kỳ (3 tháng cùng kỳ năm 2019 tăng 6,2%). Ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất, ước giảm 1,7% (cùng kỳ tăng 6,1%); 4 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số bằng cùng kỳ năm 2019 (IIP 4 ngành quý 1 ước đạt 100%), cao hơn 1,0 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, 2/4 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ; cụ thể: hóa chất - cao su - nhựa tăng 8%; sản xuất hàng điện tử tăng 11,5%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống giảm 5,4%; cơ khí giảm 8,2%. 

Lý giải về việc tăng, giảm của các ngành công nghiệp, Sở Công thương cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống giảm chủ yếu do phân ngành sản xuất đồ uống ước giảm 8,9% (cùng kỳ tăng 6,6%), với sản lượng bia chai, lon giảm 15,9% so cùng kỳ (tương đương đạt 335,3 triệu lít) do người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng, giảm chi tiêu, ăn uống bên ngoài, nhu cầu du lịch giảm. Trong khi đó, nhu cầu lương thực, thực phẩm chế biến tăng đột biến gấp 2-3 lần sau ca mắc Covid-19 thứ 17, khiến các DN gia tăng sản xuất trong tháng 3. 

Ngành hóa dược - cao su cũng tăng trưởng vượt bậc do các DN trong ngành đã đẩy mạnh sản xuất các loại dung dịch kháng khuẩn. Tính chung, chỉ số tiêu thụ phân ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 19,8%; phân ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất ước tăng 20,6% so cùng kỳ. Ngành sản xuất hàng điện tử tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chủ yếu do đơn hàng sản xuất nhiều.  Tuy vậy, mức tăng không cao so cùng kỳ do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (như điện thoại và linh kiện điện tử; máy vi tính, sản phẩm điện tử…). Riêng ngành cơ khí giảm là do giảm đơn hàng tại thị trường nội địa (sức mua giảm ít nhất 15%) và thị trường xuất khẩu (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu). Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất ô tô tải (phụ thuộc hơn 70% linh kiện, phụ kiện từ Trung Quốc) cũng chịu ảnh hưởng từ thiếu hụt nguồn linh kiện, phụ kiện phục vụ sản xuất. 

Theo nhận định của Sở Công thương, tuy chịu tác động của tình hình dịch Covid-19, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, các DN đang theo dõi sát sao tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất trong ngắn hạn phù hợp.

Doanh thu bán lẻ duy trì tăng trưởng ổn định 

Trong lĩnh vực thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3-2020 ước đạt 94.619 tỷ đồng, giảm 9,9% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 64.574 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước, nhưng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Lũy kế 3 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 316.909 tỷ đồng, giảm 1,7% (cùng kỳ tăng 12,9%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 201.623 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,5%). Lương thực, thực phẩm chiếm 17,6% trong doanh thu bán lẻ, tăng 13%; may mặc chiếm 6,5%, tăng 6,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 19%, tăng 7,6%; xăng dầu chiếm 8,2%, tăng 4,6%. 

Trong tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) có xu hướng giảm, ngành bán lẻ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng (1 tháng tăng 13,2%, 2 tháng tăng 9,6% và 3 tháng ước tăng 8%), cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả khu vực dịch vụ (1 tháng tăng 11,2%, 2 tháng tăng 5,9% và 3 tháng ước giảm 1,7%). Qua đó, góp phần ổn định kinh tế và đóng góp vào xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khu vực dịch vụ. 

Sở Công thương cho rằng, góp phần vào việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ trong quý 1-2020 có 3 yếu tố. Một là, xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường; theo đó người dân điều tiết cơ cấu chi tiêu theo hướng tập trung vào mua sắm hàng hóa thiết yếu, giảm mua sắm qua chợ, trung tâm thương mại và tăng chi tiêu qua hệ thống siêu thị và mua sắm trực tuyến. Hai là, sự đáp ứng nhu cầu của người dân qua hệ thống phân phối rộng khắp với 238 chợ, 202 siêu thị , 49 trung tâm thương mại, 2.656 cửa hàng tiện lợi (tăng 12 cửa hàng so với cuối năm 2019). Cuối cùng là khả năng và cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn hàng của DN  trên địa bàn. 

Theo báo cáo của các DN ngành thực phẩm, bình ổn thị trường và hệ thống phân phối, nguồn nguyên liệu dự trữ đầy đủ đảm bảo duy trì sản xuất tối thiểu 3 tháng tới; nguồn cung hàng hóa dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ 2-3 tháng; sản lượng thực phẩm chế biến đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2-2020; nhiều DN có chính sách giảm giá 2%-3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch. Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá, sẵn sàng cung ứng vượt 30%-50% kế hoạch TP giao, ưu tiên cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, thậm chí dừng xuất khẩu nếu cần.

Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm

Theo Sở Công thương TPHCM, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý 2-2020 là tiếp tục chủ động, bám sát tình hình và nghiên cứu, đánh giá, xây dựng các kịch bản tác động của dịch Covid-19 để có thông tin kịp thời về tình hình; đánh giá khả năng tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn và chủ động làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các DN để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến khích DN khuyến mãi giảm giá sản phẩm khi thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển hạ tầng thương mại, bao gồm phát triển các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình chợ. 

Tập trung phát triển thương mại điện tử, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trên những website thương mại điện tử trên địa bàn TP, tăng cường hỗ trợ DN sản xuất, đặc biệt là các DN Việt Nam triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa; khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử trong việc phân phối hàng hóa trên môi trường trực tuyến. 

Đối với các chương trình, đề án trọng điểm, sở tiếp tục hoàn chỉnh Đề án Phát triển ngành thương mại điện tử thành phố đến năm 2025, định hướng 2030; Đề án thành lập Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất TP; tổ chức công bố, triển khai các chương trình bình ổn thị trường năm 2020; tăng cường tiếp xúc, làm việc với các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo điều phối nguồn hàng; tiếp tục làm việc với các chợ đầu mối và các chợ chủ lực khác trên địa bàn TP nhằm nắm bắt tình hình cung - cầu hàng hóa, tổ chức điều phối nguồn hàng, đảm bảo phục vụ đáp ứng theo nhu cầu của người dân, đặc biệt trong điều kiện thói quen tiêu dùng, sức mua, giá cả một số mặt hàng đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.