Thị trường nội giữ vai trò động lực trong sản xuất

|

Theo dự báo của ngành công thương TPHCM, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, do vậy, thị trường trong nước tiếp tục giữ vai trò là động lực sản xuất đối với các doanh nghiệp (DN); doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2020 dự báo tăng trưởng từ 10%-10,5% so với năm 2019.\r\n

Đa dạng mặt hàng gia dụng bày bán tại chợ Bình Tây. Ảnh: CAO THĂNG

Tổng giá trị khuyến mãi kích cầu hơn 28.500 tỷ đồng

Báo cáo tình hình công nghiệp, thương mại 7 tháng năm 2020 của Sở Công thương TPHCM cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 8,6% so với tháng trước; động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ nhóm ngành công nghiệp chế biến (ước tăng 9,02% so với tháng trước), trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 8,9% so với tháng trước. Các ngành tăng trưởng khá trong tháng 7 là sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 10,6%), dệt (tăng 7,2%), sản xuất trang phục (tăng 12,9%), sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 11,9%), kim loại (tăng 33,9%), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 14,5%), máy móc, thiết bị (tăng 20,5%), xe có động cơ (tăng 15,8% so với tháng trước).

Như vậy, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá kể từ tháng 5 trở lại đây: IIP tháng 5 tăng 7,9%, tháng 6 tăng 13,7% và tháng 7 ước tăng 8,6% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng, IIP ước tăng 2,0% (cùng kỳ tăng 7,1%); trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 2,16% (cùng kỳ tăng 6,4%). Đáng lưu ý, các ngành hàng thiết yếu như hóa dược, chế biến lương thực, thực phẩm tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng.

Về nội thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 104.066 tỷ đồng, giảm 5,8% so với tháng cùng kỳ năm trước (trong đó, thương nghiệp tăng 2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 36,1%; dịch vụ lữ hành giảm 95,5%; dịch vụ khác giảm 4,4%). Doanh thu tháng 7 của hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiếp tục giữ ổn định so với tháng trước.

Lũy kế 7 tháng, doanh thu thương mại dịch vụ ước đạt 718.133 tỷ đồng, giảm 3,8% (cùng kỳ tăng 12,2%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa (là ngành duy nhất đạt tăng trưởng trong các ngành dịch vụ) 7 tháng ước đạt 463.446 tỷ đồng, tăng 8,2% (cùng kỳ tăng 14,0%), chiếm tỷ trọng 64,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Doanh thu các mặt hàng 7 tháng tăng khá so cùng kỳ gồm lương thực, thực phẩm (tăng 10,9%), đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 9,5%), gỗ và vật liệu xây dựng (tăng 8,7%).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm cải thiện doanh thu bán lẻ, hệ thống phân phối hiện đại đã đồng hành cùng thành phố triển khai nhiều chương trình khuyến mãi. Trong đó, có chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn thành phố”, diễn ra từ 1-6 đến 30-7-2020, với gần 6.000 chương trình khuyến mãi của 1.391 DN thành phố, tổng giá trị khuyến mãi hơn 28.500 tỷ đồng. DN triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi đa dạng, với hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ... lên tới 100%.

Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020, tổ chức từ ngày 2-7 đến 5-7-2020 thu hút 486 DN của 29 tỉnh thành tham gia 650 gian hàng (trong đó có 500 gian hàng của 300 DN thành phố), có 172 biên bản ghi nhớ, hợp đồng được ký kết, đã tạo điều kiện cho các DN tăng cường kết nối giữa sản xuất và phân phối, gia tăng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cung ứng cho thị trường thành phố trong những tháng đầu năm.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu cả nước 7 tháng ước đạt 24,7 tỷ USD, tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 9,8%). Qua cửa khẩu thành phố, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 22,74 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ; nếu loại trừ dầu thô ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 11,8%).

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất (kim ngạch 7 tháng ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 50,82% và chiếm 26,49%), đứng thứ hai là Hoa Kỳ và theo sau là thị trường Nhật Bản, EU...

Thị trường trong nước giữ đà tăng trưởng khá

Dự báo về tình hình thị trường 5 tháng cuối năm 2020, Sở Công thương TPHCM cho rằng, thị trường trong nước tiếp tục giữ vai trò động lực sản xuất đối với các DN trong điều kiện dịch Covid-19; doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2020 dự báo tăng trưởng 10%-10,5% so với năm 2019. Dự báo này có cơ sở, vì nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ là động lực thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa.

Theo đó, xu hướng điều tiết cơ cấu chi tiêu của người dân sang mua sắm hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch cũng góp phần làm tăng doanh thu bán lẻ. Cụ thể, doanh thu 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng mức bán lẻ đang đạt tốc độ tăng trưởng khá nhất trong 7 tháng năm 2020 là lương thực thực phẩm (chiếm 17,3%, tăng 10,9%) và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (chiếm 19,5%, tăng 9,5%)…

Xu hướng dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến thay cho mua sắm truyền thống cũng góp phần tăng doanh thu bán lẻ. Kết quả khảo sát cho thấy, tổng giá trị mua sắm trực tuyến đạt trung bình 5.620.000 đồng/hộ; tốc độ tăng trưởng chi tiêu trực tuyến đạt bình quân 12,2%/năm. Qua khảo sát thông tin từ 4 sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Shopee và Lazada), kết quả sơ bộ cho thấy, số lượng đơn hàng chăm sóc sức khỏe, lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng bình quân 70%-80% so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt, mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay tăng đến 140% so với cùng kỳ.

Tình hình xuất khẩu trong quý III, quý IV dự báo sẽ được cải thiện nhờ các nỗ lực mở cửa, phục hồi kinh tế của các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu (qua cửa khẩu cả nước) dự báo tăng 5% so với năm 2019. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, về đơn đặt hàng xuất khẩu trong quý III, có 78,1% DN dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ ổn định (trong đó, 34,2% dự báo tăng và 43,9% giữ ổn định). Các ngành có tỷ lệ DN dự báo đơn hàng xuất khẩu quý III tăng so với quý II là sản xuất trang phục (40,8%); hàng điện tử (40,0%); chế biến thực phẩm (38,7%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (38,3%).

Đáng lưu ý, Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Với cam kết xóa bỏ gần 100% biểu thuế trong EVFTA, sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu sang EU sẽ rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 43,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), dệt may (chiếm 11,3%), giày dép (chiếm 5,7%).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong năm 2020 dự báo tăng 4,54%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,27% so với năm 2019.

Theo nhận định của Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng tăng là nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh của DN. Thị trường trong nước tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá, trong khi thị trường xuất khẩu được dự báo khả quan hơn so với các tháng đầu năm 2020. Sự kịp thời huy động đủ nguyên liệu sản xuất, tăng công suất nhà máy, cùng với sự đồng hành hỗ trợ của các cấp chính quyền trong những tháng cao điểm của dịch bệnh (đợt 1) đã giúp các DN thành phố chủ động hơn trong hoạt động sản xuất.

Các nhiệm vụ, giải pháp 5 tháng cuối năm 2020

Để hoàn thành nhiệm vụ, trong 5 tháng cuối năm 2020, Sở Công thương TPHCM tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ DN trong và sau dịch Covid-19 từ nay đến hết năm 2020. Đẩy mạnh triển khai hoạt động các Hội đồng phát triển ngành công nghiệp thành phố (theo Quyết định 1790/QĐ-UBND ngày 22-5-2020 của Chủ tịch UBND TPHCM), xây dựng và hoàn chỉnh Quy chế hoạt động của hội đồng; báo cáo Thường trực UBND TPHCM thông qua các chương trình hỗ trợ DN và sản phẩm thuộc từng ngành công nghiệp thành phố giai đoạn 2020-2030; thông qua các thành viên hội đồng triển khai các chính sách hỗ trợ đến từng DN.

Triển khai hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, như tham mưu UBND TPHCM ban hành danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021-2025, thay thế Quyết định số 4544/QĐ-UBND ngày 15-10-2018, dự kiến trình UBND TPHCM trong tháng 10-2020. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị quyết mới giai đoạn 2021-2025, thay thế Nghị quyết số 16 về Chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; phối hợp Sở KH-ĐT sửa đổi Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 50 của UBND TPHCM.

Triển khai Chương trình phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng thành phố năm 2020, với các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng bộ tài liệu quảng bá nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng; điều tra thống kê doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng.

Tham mưu UBND TPHCM triển khai bình chọn “Thương hiệu Vàng thành phố Hồ Chí Minh” (dự kiến công bố vào dịp Quốc khánh 2-9) nhằm vinh danh các thương hiệu DN của thành phố, từ đó tập trung hỗ trợ các DN phát triển thương hiệu thành các thương hiệu mạnh tại thị trường trong và ngoài nước.

Tiếp tục hướng dẫn UBND 24 quận huyện triển khai, báo cáo kết quả triển khai Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28-5-2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc ban hành “Hướng dẫn, phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng”.

Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết các mặt hàng có thế mạnh với từng thị trường cụ thể; trong đó chú trọng các các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP và EVFTA), đặc biệt là sự kiện Hiệp định EVFTA chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, Hiệp hội Thương mại điện tử, hội ngành hàng, các sàn thương mại điện tử, đề xuất các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa (đây là DN chịu nhiều tổn thất nhất trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua).

Triển khai công tác bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, hỗ trợ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt heo trên địa bàn, tập trung nguồn lực tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm, bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.