Tăng cường mối liên kết, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường

|

Với vị thế là đầu tàu kinh tế cả nước, nhiều năm qua, TPHCM và các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ đã triển khai chương trình hợp tác thương mại để đồng hành, hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại, xây dựng các chuỗi cung ứng, tìm đầu ra cho nông sản với giá ổn định, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.\r\n

Doanh nghiệp tại TPHCM chế biến nguồn trứng gia cầm từ ĐBSCL, cung ứng bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Đầu tư 18.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất

Trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của mỗi địa phương, Sở Công thương TPHCM phối hợp sở công thương các tỉnh thành triển khai nhiều giải pháp liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa. 

Qua triển khai chương trình hợp tác, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) TPHCM an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các HTX nuôi trồng. Đến nay, các DN bình ổn thị trường (BOTT) của TPHCM đều có vùng nguyên liệu ổn định tại các tỉnh thành. Cụ thể, có 28 DN đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.

Mặt khác, hầu hết các DN BOTT đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh thành. Saigon Co.op có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản, với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước. Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm. Sagrifood cung cấp bình quân mỗi năm 80.000 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi 23 tỉnh thành, trong đó, 80% tại 15 tỉnh thành miền Đông, Tây Nam bộ, chủ yếu là Đồng Nai, Bình Dương. Ba Huân có nhà máy chế biến thực phẩm, xử lý trứng tại Long An, Bình Dương, Hà Nội… cùng hệ thống trang trại chăn nuôi, liên kết phủ khắp các tỉnh thành.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho hay, với định hướng chiến lược là tiếp cận thị trường bằng chất lượng và an toàn thực phẩm, Vissan đã xây dựng quy trình liên kết khép kín đáp ứng tiêu chuẩn 3F (Feed - Farm - Food). Vissan cũng đã không ngừng chọn lọc, mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -  Vũng Tàu, Bình Thuận nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sản phẩm tươi sống của Vissan hiện đang được phân phối tại tất cả quận huyện ở TPHCM và một số tỉnh miền Tây.

Bên cạnh đó, phần lớn các DN BOTT ở TPHCM cũng áp dụng chính sách “một giá” trên cả nước và có hệ thống phân phối toàn quốc, vì vậy sản phẩm BOTT của TPHCM cũng được phân phối đến các tỉnh thành, góp phần đồng hành, thực hiện ổn định thị trường tại địa phương, nhất là vào các dịp cao điểm mua sắm tết.

Ngoài ra, 3 chợ đầu mối của TPHCM tiếp tục là đầu mối tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương để tiêu thụ tại thành phố, cũng như phát hàng đi các tỉnh thành khác, góp phần điều hòa, cân đối cung cầu tại khu vực phía Nam.

Xây dựng các chuỗi cung ứng

Với nỗ lực đưa hàng bình ổn đến tận tay người tiêu dùng, đến nay các DN tham gia chương trình BOTT của TPHCM đã phát triển được khoảng 11.000 điểm bán ở TPHCM. Tại các tỉnh thành, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các DN phân phối lớn của TPHCM cũng đã đầu tư mạnh hệ thống phân phối hiện đại tại chỗ. Tính đến nay, các DN TPHCM đã đầu tư 336 siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, gần 2.500 cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh thành trên cả nước (không tính TPHCM). Trong đó, một số đơn vị lớn như Saigon Co.op đầu tư 84 siêu thị Co.opmart tại 42 tỉnh thành; Lotte đầu tư 11 siêu thị tại 8 tỉnh thành; Big C đầu tư 27 siêu thị tại 20 tỉnh thành; MM Mega Market đầu tư 17 siêu thị tại 14 tỉnh thành; Bách Hóa Xanh đầu tư 1.093 cửa hàng tiện lợi tại 23 tỉnh thành; Nguyễn Kim đầu tư 45 siêu thị chuyên ngành (điện máy) tại 29 tỉnh thành…

Bên cạnh đó, một số DN BOTT chủ lực, chuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm thiết yếu như Vinamilk, NutiFood, TH Truemilk, Vissan, Cầu Tre, Vĩnh Tiến, Hương Mi, Nakydaco, Thành Thành Công… đều đã phát triển mạng lưới đại lý tại khắp các tỉnh thành. Một số DN sản xuất thực phẩm tươi sống như Vissan, Ba Huân, San Hà đã thiết lập mạng lưới phân phối và cung ứng hàng hóa cho thị trường phía Bắc. 

Việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh thành thời gian qua đã giúp các DN gắn kết, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác ngày càng thiết thực giữa DN TPHCM và các tỉnh thành. Theo đó, DN TPHCM tham gia phát triển mạng lưới gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động, góp phần tích cực vào việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại và thực hiện BOTT tại các địa phương.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, đơn vị chuyên cung ứng các loại trứng gia cầm BOTT, cho rằng, chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh thành đã giúp công ty xây dựng được chuỗi cung ứng vững mạnh. Vĩnh Thành Đạt cũng là DN đầu tiên của TPHCM thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với 2 mặt hàng chính là trứng gà và trứng vịt. Ở mặt hàng trứng vịt, Vĩnh Thành Đạt đã hợp tác chặt chẽ với các HTX, hộ chăn nuôi ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An… để hình thành vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao với giá cả ổn định. Nhờ vậy, độ phủ của các loại trứng tươi mang thương hiệu V-Food đã trải dài từ Ninh Thuận đến Cà Mau. DN này cũng đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, chế biến trứng đa dạng hóa sản phẩm để tiêu thụ trên toàn quốc như trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng vịt muối ăn liền, trứng bắc thảo. Trong tháng 5-2020, công ty tiếp tục cho ra mắt trứng gà và trứng cút xông khói Hàn Quốc.

Theo ông Trương Chí Thiện, mặt hàng trứng tươi có hạn sử dụng khá ngắn, khó bảo quản, do vậy việc đa dạng hóa sản xuất, chế biến không chỉ đạt được mục tiêu đưa quả trứng đi xa hơn, hướng tới xuất khẩu mà còn tạo điều kiện cho các đối tác chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự đồng thuận, thống nhất cao giữa lãnh đạo địa phương về triển khai các nội dung trong chương trình hợp tác thì còn có sự nỗ lực không ngừng từ DN. Bởi họ chính là một trong những chủ thể triển khai, thực hiện chương trình, qua đó TPHCM và các tỉnh thành đã xây dựng được vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa, BOTT trên địa bàn TPHCM và cả khu vực.

7 nội dung hợp tác thương mại giai đoạn 2021-2025

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ vừa ký biên bản thỏa thuận hợp tác thương mại giai đoạn 2021-2025 với 22 tỉnh thành, bao gồm 13 tỉnh thành Tây Nam bộ, 5 tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum. 

Ký kết hợp tác thương mại giữa TPHCM và 22 tỉnh thành giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CAO THĂNG

Mục tiêu của chương trình hợp tác là phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác toàn diện trong lĩnh vực thương mại. Nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình BOTT tại mỗi địa phương qua hoạt động chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa lưu thông giữa 2 địa phương (TPHCM và một trong các tỉnh thành) trên cơ sở tăng cường thực hiện kiểm soát tại nguồn. Nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa thông qua hoạt động kết nối cung - cầu giữa 2 địa phương.

Chương trình hợp tác thương mại được xác định là hoạt động không tách rời của chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương và được UBND 2 địa phương chỉ đạo thực hiện. 

Có 7 nội dung hợp tác thương mại giai đoạn 2021-2025, bao gồm đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực thương mại của 2 địa phương; phối hợp thực hiện chương trình BOTT, kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường (nếu có); hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN các bên đầu tư, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng BOTT; phối hợp phát triển hệ thống phân phối, xây dựng các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối; phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm 2 địa phương, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phối hợp xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối; tăng cường phối hợp, liên kết kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông giữa 2 địa phương, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy hoạt động sơ chế tại nguồn; liên kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý ngành thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Để chương trình hợp tác đạt hiệu quả, các bên đã phân công cho các phòng ban chức năng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện và sơ kết kết quả thực hiện hàng năm. Về phía Sở Công thương TPHCM đã giao trưởng phòng quản lý thương mại chủ trì, phối hợp các phòng ban, đơn vị trực thuộc sở chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo bản thỏa thuận này. 

TƯỜNG DÂN