Doanh nghiệp lạc quan với tình hình kinh doanh quý 4-2020

|

Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN), cho thấy phần lớn ý kiến đều lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh trong quý cuối năm 2020.

Đông đảo khách hàng đến mua sắm tại siêu thị Aeon Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3-2020, có 32,2% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn quý 2; 31,9% DN đánh giá gặp khó khăn và 35,9% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Nhận định tình hình kinh doanh quý 4-2020 so với quý 3-2020, có 45,6% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% DN dự báo khó khăn hơn và 35,4% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất, với 82,8% DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4-2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3. Tỷ lệ này ở khu vực DN nhà nước và DN ngoài nhà nước lần lượt là 81,7% và 80,2%.

Về khối lượng sản xuất, có 36% DN đánh giá quý 3 tăng so với quý 2; 30% DN đánh giá giảm và 34% DN cho rằng ổn định. Xu hướng quý 4-2020 so với quý 3, có 45,9% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng; 17,5% DN dự báo giảm và 36,6% dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 30,9% DN có đơn đặt hàng quý 3 cao hơn quý 2; 30,6% DN có đơn đặt hàng giảm và 38,5% DN có đơn đặt hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 26,5% DN khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 32,6% DN có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 40,9% DN có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Có 35,6% DN cho rằng, đơn hàng mới tăng trong quý 4; 20,4% DN dự kiến giảm và 44% dự kiến ổn định.

Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy các DN khá lạc quan, nhưng theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600 DN, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%; 36.500 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6%.

Ghi nhận tại TPHCM cho thấy, điều khiến các DN lo lắng nhất vẫn là sức mua đang ở mức rất thấp. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vissan, nhìn nhận, giá bán nhiều mặt hàng đang ổn định ở mức thấp, ngay cả thịt heo sau một thời gian tăng cao cũng đã bắt đầu giảm xuống, nguồn cung cũng dồi dào hơn. Tuy nhiên, sức mua đối với các mặt hàng thịt gia súc tươi sống và thực phẩm chế biến đang rất chậm. Hiện Vissan đã tiến hành điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với thực tế. Tại các DN sản xuất khác như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân… cũng nhiều lần điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng doanh thu, vì sức mua trên thị trường tại thời điểm này chưa khá lên.

Tương tự, với các DN phân phối cũng liên tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đồng thời tổ chức thêm nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Theo đại diện Công ty MM Mega Market, nếu doanh thu đạt ngang bằng năm 2019 là thành công của DN trong tình hình hiện nay.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ước tính đến hết năm nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu, có xu hướng ưu tiên cho các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu, cũng như sản phẩm về sức khỏe. Đối với nhóm các mặt hàng thứ yếu khác như thời trang hay điện máy, phi thực phẩm dù có hồi phục cũng không đáng kể. Điều này được đánh giá sẽ mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương. Thế nhưng, để chiếm được niềm tin, tăng sức mua thì các nhà cung cấp địa phương cần cung cấp sản phẩm tốt, có giá trị phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.

Mặc dù chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch nhưng những tháng cuối năm, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sẽ khởi sắc hơn so với thời gian vừa qua. Thị trường trong nước tiếp tục giữ vai trò là động lực sản xuất đối với các DN trên địa bàn. Dự báo doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2020 sẽ tăng trưởng 10%-10,5% so với năm 2019.