Số liệu của Cục Thống kê Singapore cho thấy diện tích đất của nước này chỉ có 722 km2 trong khi dân số tính đến tháng 7/2018 đã lên đến hơn 5,6 triệu người và ước tính tăng lên thành 6,9 triệu người vào năm 2030. Trong nhiều năm qua, Singapore liên tục bồi đắp, lấn biển để mở rộng quỹ đất, tuy nhiên, biện pháp này không mang tính bền vững vì khiến mực nước biển dâng lên và gây ra một số tác động khác về biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, quốc gia này đã đặt trọng tâm giải phóng mặt đất bằng cách phát triển xuống dưới lòng đất.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Có thể thấy, với nhiều nỗ lực nhằm tận dụng tối đa đất đai - nguồn lực hạn chế nhất của quốc gia Đông Nam Á này, quá trình cải tạo đất ở Singapore đã giúp đất nước này mở rộng thêm 25% đất đai trong hơn 2 thế kỷ qua. Thông qua việc sử dụng tốt không gian ngầm với các trung tâm mua sắm, đường tàu điện ngầm và đường cao tốc, lòng đất của Singapore đã từng bước được sử dụng một cách hiệu quả và ngày càng trở thành giải pháp tích cực đối với sự phát triển của quốc gia này.
Hiện nay, ở tầng thứ nhất dưới lòng đất từ 1-3 m là hệ thống đường dành cho người đi bộ. Du khách và người dân địa phương có thể tận hưởng sự thoải mái và an toàn khi mua sắm và dạo chơi dưới lòng đất từ con đường Orchard nổi tiếng đến tòa thị chính, Tanjong Pagar và vịnh Marina. Tầng thứ hai từ 5-50 m là hệ thống đường hầm dịch vụ chung, được xây dựng ở khu vực vịnh Marina. Đây là đường hầm dịch vụ thứ hai ở châu Á sau Nhật Bản để chạy cáp viễn thông, đường ống nước, đường dây điện. Điểm ấn tượng nhất của đường hầm này là công trình“District Cool Plant”, cung cấp nước làm lạnh cho điều hòa của các tòa nhà trong khu vực thông qua đường ống. Ngoài ra còn có hệ thống tàu điện ngầm MRT và hầm cho xe cộ lưu thông. Hiện Singapore vẫn đang có thêm các kế hoạch xây dựng nhiều đường hầm cho xe lưu thông và đầu tư mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm MRT, qua đó người dân Singapore sẽ được hưởng nhiều tiện ích giúp giảm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn.
Ở tầng thứ 3, từ khoảng 100 m và sâu hơn là dự án Những hang đá trên đảo Jurong (Jurong Rock Caverns) và Kho đạn ngầm (UAF). Đây là hai dự án ngầm nổi tiếng của Singapore và cũng là những ví dụ hoàn hảo về nỗ lực vượt qua thách thức đất chật để mở rộng không gian dưới lòng đất. Dự án Jurong Rock Caverns hoàn thành năm 2014, là công trình gồm 5 kho ngầm dưới đáy biển Banyan Basin dùng để dự trữ dầu. Hang Jurong Rock Caverns nằm ở độ sâu 150 m so với mặt đất, cao hơn một tòa chung cư 30 tầng. Đây là dự án tốn khá nhiều tiền của Singapore. Bên trong có 5 hang tạo nên không gian 61 ha dưới đáy biển với đường hầm dài 9 km dẫn vào bên trong. Mỗi hang cao tương đương tòa nhà 9 tầng, chỗ chứa bên trong cao 27 m, rộng 20 m và dài tới 340 m. Trong mỗi hang có thể chứa tới 64 bể bơi tiêu chuẩn Olympic, 1.300 xe buýt 2 tầng. Theo tờ The Straits Times, dự án có chi phí lên tới 950 triệu SGD (16.208 tỉ đồng) với 1.700 công nhân đã phải làm việc trong suốt 8 năm mới hoàn thành.
Tương tự, dự án UAF cũng đã giúp Singapore tiết kiệm đến 300 ha diện tích trên mặt đất. Hơn nữa, do cơ sở này dưới lòng đất nên tiết kiệm được khoảng 50% chi phí bảo dưỡng và điện năng so với việc nằm trên mặt đất do không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Mặc dù với nhiều công trình dưới lòng đất mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội lớn, song Singapore còn muốn đi xa hơn. Theo đó, hãng thông tấn Reuters cho biết, dự án Quy hoạch tổng thể ngầm sẽ được chính quyền Singapore công bố trong năm 2019 nhằm tận dụng tốt hơn diện tích đất bề mặt và xem xét một cách có hệ thống cách khai thác không gian ngầm cho nhu cầu trong tương lai, đây là một trong những dự án đầy táo bạo và được đánh giá là phù hợp với bối cảnh mật độ dân số của nước này có xu hướng gia tăng cao thuộc tốp đầu thế giới như hiện nay.
Theo dự án nói trên, Singapore sẽ tập trung sử dụng không gian ngầm cho giao thông, nhà máy, công sở và kho chứa. Từ đó giải phóng phần đất trên bề mặt để phát triển nhà ở, các công trình cộng đồng và không gian xanh. Cụ thể, theo Quy hoạch Tổng thể dưới lòng đất của Singapore sẽ có các khu vực thí điểm, với các ý tưởng bao gồm trung tâm dữ liệu, nhà máy tiện ích, kho xe buýt, hệ thống nước thải đường hầm sâu, kho bãi và hồ chứa nước. Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ tạo ra các trung tâm giao thông ngầm, những làn đường dành cho khách bộ hành, người đi xe đạp, nhà máy điện, khu phức hợp công nghiệp, trung tâm nghiên cứu và lưu trữ, các khu vực mua sắm và những không gian ngầm công cộng khác tại Singapore. Các chuyên gia của Singapore đang sử dụng công nghệ 3D để xây dựng Quy hoạch tổng thể dưới lòng đất này. Hình mẫu 3D sẽ cung cấp đầy đủ dữ liệu và hỗ trợ mọi công việc, từ lập kế hoạch đô thị đến hạn chế thiên tai. Dự án này sẽ cho thấy địa hình, hình dạng và vị trí các tòa nhà thật sự, giúp việc phân tích lũ lụt, đồng thời hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển của thành phố.
Ngoài ra, Công ty Phát triển hạ tầng công nghiệp thuộc nhà nước Jurong Town Corporation (JTC) cũng đang bắt tay vào một nghiên cứu với quy mô lớn bên dưới Công viên khoa học Singapore ở phía Tây đất nước. Dự án này nhắm đến xây dựng một thành phố khoa học 30 tầng dưới lòng đất có thể chứa các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, các văn phòng và trung tâm dữ liệu.
Đánh giá về cơ sở nhằm phát triển thành phố dưới lòng đất theo các Dự án trên, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng Singapore đã có sẵn cơ sở để triển khai chương trình đầy tham vọng nói trên khi nước này hiện có sẵn hệ thống tàu điện, đường cao tốc, đường dành cho người đi bộ hiện đại bên dưới lòng đất. Bên cạnh đó, về mặt luật định, từ năm 2015, Singapore đã sửa đổi luật đất đai cho phép Chính phủ mua lại quyền sử dụng phần đất bên dưới các khu đất tư nhân, đồng thời quy định chủ sở hữu chỉ được quyền sử dụng phần đất sâu đến 30 m bên dưới bất động sản của mình. Bước đi này giúp tạo điều kiện dễ dàng trong việc triển khai các dự án ngầm cũng như tránh gây ra xung đột về sử dụng lòng đất với người dân.
Mặt khác, theo Cơ quan tái phát triển đô thị Singapore, khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều tại Singapore khiến mạng lưới cơ sở hạ tầng công cộng bị hao mòn nhanh hơn. Do đó, việc đưa những hệ thống này xuống lòng đất là phương án hợp lý, khả thi và được ủng hộ. Ngoài ra, các nhà quy hoạch cũng sẽ nghiên cứu phát triển công trình ngầm bằng công nghệ tiên tiến và thiết kế thân thiện với con người để hạn chế cảm giác bức bối khi phải làm việc, sinh hoạt dưới lòng đất.
Mặc dù, quá trình xây dựng các công trình dưới lòng đất tốn kém và phức tạp hơn so trên mặt đất. Song theo đánh giá của các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, nếu xem xét về các tiện ích như tiết kiệm được đất đai, cải thiện chất lượng môi trường và kết nối tốt hơn thì giải pháp xây dựng dưới lòng đất vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích và thiết thực đối với Singapore.
Báo The Straits Times khẳng định một ngày không xa người dân Singapore có thể “sống, làm việc và giải trí trong lòng đất”. Cục Xây dựng công trình Singapore – đơn vị chịu trách nhiệm giám sát các dự án không gian ngầm cho biết điều này sẽ trở thành hiện thực vào năm 2050.
Cũng theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Khi đó với mật độ người sống ở thành phố tăng nhanh sẽ làm cho cơ sở hạ tầng trở nên hạn hẹp, đồng thời làm bùng nổ tranh chấp về đất đai. Chính vì vậy, việc Singapore công bố Quy hoạch tổng thể cho tương lai dưới lòng đất chính là bước đi đúng xu hướng và cũng hứa hẹn trong một tương lai không xa rất có thể Singapore sẽ trở thành một điểm đến với những thành phố ngầm tiện nghi và hiện đại./.
Gia Linh