Biện pháp giảm tai nạn giao thông của Thụy Điển và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

|

Biện pháp giảm tai nạn giao thông của Thụy Điển và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông gây ra ở Thụy Điển có xu hướng giảm rõ rệt. Với tỷ lệ 2,6 người chết vì tai nạn giao thông trên 100.000 người dân, Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp nhất thế giới. Có được những kết quả tích cực này là do Chính phủ Thụy Điển đã áp dụng những biện pháp, cách làm hiệu quả trong giảm tải tai nạn giao thông. Những kinh nghiệm này của Thụy Điển cũng sẽ phần nào giúp Việt Nam trong việc tăng cường an toàn giao thông trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Biện pháp giảm tai nạn giao thông của Thụy Điển

Vào những năm 50-60 của thập kỷ trước, Thụy Điển từng là quốc gia phải đối mặt với tình trạng gia tăng nhanh chóng số lượng các phương tiện cơ giới, gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Ở thời điểm này, cứ 5 năm thì số lượng xe ôtô con của Thụy Điển lại tăng lên gấp hai lần. Kết quả của quá trình cơ giới hóa ở quốc gia này đến năm 1990 đã đạt tỷ lệ 400 phương tiện cá nhân trên 1000 dân. Sự gia tăng nhanh chóng đó đã kéo theo tình trạng mất an toàn giao thông, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) của Thụy Điển trong giai đoạn này ngày càng cao.

Trong những năm tiếp theo, tỉ lệ tử vong vì TNGT của Thụy Điển vẫn tiếp tục giữ ở mức cao. Để kiểm soát và hạn chế TNGT, Chính phủ Thụy Điển đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thống, như: Tập trung vào việc đề cao trách nhiệm của các cá nhân là những người trực tiếp lái xe tham gia giao thông thông qua những chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật... Tuy nhiên, kết quả đạt được dường như cũng không khả quan.

Đến năm 1997, Chính phủ Thụy Điển đã ban hành Bộ luật Vision Zero (Tầm nhìn về 0). Trong Bộ luật Vision Zero, Chính phủ Thụy Điển đã tiếp cận ở góc độ mới là tai nạn giao thông hoàn toàn có thể phòng tránh được. Thay vì sử dụng phương pháp truyền thống là nâng cao hành vi ứng xử của người tham gia giao thông, chính phủ nước này đã chuyển sang ứng dụng các khoa học công nghệ vào kiểm soát và đảm bảo tất cả các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn có thể hạn chế thấp nhất được thương tích cho người tham gia giao thông. Mục tiêu của Vision Zero không phải là tập trung vào việc giảm tỷ lệ số vụ TNGT nói chung, mà tập trung vào giảm thiểu các vụ TNGT gây chết người hoặc thương tích nặng. 

 
 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Theo đó, chương trình Vision Zero của Thụy Điển đã được triển khai với những giải pháp cơ bản như:

Tổ chức các nút giao bằng vòng xuyến: Các nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy, việc điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu làm tăng khả năng lưu thông của các nút giao, tuy nhiên tai nạn xảy ra ở các nút này lại có mức độ nghiêm trọng hơn tai nạn xảy ra ở các nút giao có vòng xuyến, bởi các phương tiện đi theo vòng xuyến thường có tốc độ thấp hơn các phương tiện đi thẳng, do đó TNGT ít xảy ra hơn. Chính vì vậy, Thụy Điển đã tập trung ưu tiên phát triển giao thông với việc tổ chức các nút giao thông bằng vòng xuyến, nhằm giảm thiểu những tai nạn mang tính chất nghiêm trọng do giao thông gây ra. Cụ thể, Chính phủ đã cho xây dựng lại hệ thống vòng xuyến to hơn tại các ngã tư và các đường hàng đinh gần bệnh viện, trường học nhằm giảm tốc độ phương tiện; xây dựng hơn 1.500km tuyến đường gồm 2 làn xe chạy và 1 làn đường dành riêng đvượt và hàng chục nghìn các đoạn đường giao cắt đđảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Bố trí, lắp đặt các dải phân cách trên đường: Các chuyên gia cho rằng, việc lắp đặt dải phân cách cũng sẽ hạn chế TNGT trong trường hợp các phương tiện giao thông đâm va vào nhau khi di chuyển cùng chiều. Do đó, Thụy Điển đã từng bước triển khai đồng bộ hệ thống dải phân cách bắt đầu từ năm 1998. Thụy Điển đã triển khai xây dựng 12.600 đoạn giao cắt an toàn bao gồm cả cầu vượt cho người đi bộ và đường sọc vằn bao quanh bởi đèn nhấp nháy cảnh báo va chạm.

Hạn chế tốc độ khi di chuyển trong khu vực dân cư dưới 30km/h: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tốc độ dưới 30 km/h là giới hạn mà phần lớn người đi bộ có khả năng không bị tử vong nếu xảy ra va chạm với các phương tiện giao thông. Chính quyền của các khu dân cư tại Thụy Điển đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất lắp đặt biển báo giới hạn tốc độ tại các khu vực trên địa bàn quản lý. Theo đó, Thụy Điển đã lắp đặt hơ1.100 camera giám sát tốc độ trên toàn quốc, đồng thời triển khai các kế hoạch thu phí tắc nghẽn giao thông nhằm hướng tới mục tiêu giảm lưu lượng giao thông. Điều này không chỉ thúc đẩy các điều kiện tốt hơn cho người đi xe đạp và đi bộ, giảm lưu lượng xe và tăng doanh thu để cải tiến cơ sở hạ tầng đường bộ.

Một số biện pháp khác nhằm hạn chế tai nạn giao thông được triển khai áp dụng tại Thụy Điển như: Sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp, theo đó mọi trẻ em dưới 15 tuổi đều phải sử dụng mũ bảo hiểm khi đi  xe đạp; Giải tỏa hành lang giao thông, nhằm mục đích giảm thiểu TNGT do phương tiện va chạm với các chướng ngại vật nguy hiểm hoặc do bị che khuất tầm nhìn; Sử dụng hệ thống cảnh báo cài dây an toàn...

Ngoài ra, thông qua việc thực thi chiến lược Vision Zero, Chính phủ Thụy Điển đã tiến hành những hoạt động thực tiễn để nâng cao mức độ an toàn giao thông. Cụ thể là việc triển khai thiết bị Alcolock trên các phương tiện giao thông. Đây được coi là một trong những giải pháp chiến lược nhằm giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc do người lái xe gây nên trong tình trạng bị mất kiểm soát dưới tác động của các chất có cồn. Theo đó, các phương tiện giao thông tại Thụy Điển đều được lắp đặt thiết bị Alcolock.

Công dụng của thiết bị Alcolock là cản trở sự di chuyển của ôtô nếu như phát hiện nồng độ cồn trong máu của người lái xe vượt quá mức quy định. Để thực hiện nhiệm vụ này, thiết bị Alcolock được cài đặt trên xe và kết nối trực tiếp với mạch đánh lửa của ôtô. Thiết bị này sẽ tự động khóa chế độ khởi động xe nếu như người lái xe có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức
quy định. Các phần cứng của thiết bị Alcolock bao gồm một máy đo nồng độ cồn, bộ điều khiển và cáp kết nối. Người lái xe sẽ tương tác với thiết bị Alcolock qua tin nhắn hiển thị trên màn hình và tín hiệu âm thanh.

Việc áp dụng thiết bị Alcolock tại Thụy Điển đã đem lại những tiến bộ rõ ràng trong việc kiểm soát người lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, các chuyên gia của Thụy Điển cho rằng, trong tương lai các thiết bị này vẫn cần được cải tiến nhằm tạo ra những thiết bị đơn giản hơn, giá thành thấp hơn, thuận tiện hơn khi sử dụng. Hiện nay, tại Thụy Điển Công ty Autoliv (Nhà cung cấp lớn nhất về các sản phẩm an toàn xe hơi trên thế giới) đã tiến hành nghiên cứu tạo ra thiết bị Alcolock không cần đến ống thổi, người lái xe không nhất thiết phải thở vào ống mà chỉ cần thở ra trên bề mặt máy đo, máy sẽ vẫn ghi nhận và tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong máu của lái xe. Phát minh này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí dành cho việc thay thế ống thở định kỳ.

Bên cạnh đó, Công ty Nissan - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cũng đã phát minh ra một loại thiết bị Alcolock đời mới, theo đó các cảm biến chất có cồn sẽ được lắp đặt trong ghế lái của người điều khiển, ghế hành khách và trong thiết bị cần gạt số. Những cảm biến này có thể phát hiện các phân tử cồn trong hơi thở của lái xe. Trong trường hợp phát hiện ra nồng độ cồn trong máu vượt qua quy định cho phép, thiết bị sẽ cảnh báo bằng âm thanh tới lái xe, yêu cầu dừng chuyến hành trình. Nếu như lái xe vẫn tiếp tục di chuyển thì cảm biến trên cần gạt số thông qua việc phát hiện sự có mặt của chất có cồn trong mồ hôi ở lòng bàn tay người lái xe sẽ đưa ra cảnh báo với người lái và tiến hành khóa hệ thống đánh lửa trên xe ôtô…

Theo dự báo, thiết bị Alcolock với nhiều cải tiến sẽ ngày càng phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát người có nồng độ cồn vượt quy định điều khiển phương tiện giao thông. Và đây cũng sẽ là một trong những giải pháp hữu ích nhằm giảm TNGT mà nhiều quốc gia có thể triển khai áp dụng.

 
Bài học kinh nghiệm của Thụy Điển và những giải pháp làm giảm TNGT ở Việt Nam
Có thể thấy, việc áp dụng hàng loạt các biện pháp làm giảm tai nạn giao thông tại Thụy Điển đã mang lại những kết quả tích cực, tạo nền tảng cho các hoạt động an toàn giao thông (ATGT) đường bộ của quốc gia này. Theo thống kê, số ca tử vong vì TNGT ở Thụy Điển kể từ năm 2000 đã giảm đáng kể. Năm 2012, chỉ có 1 trẻ em dưới 7 tuổi chết vì TNGT (con số này là 58 người năm 1970). Năm 2013, trong khi lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng gấp đôi thì số người người chết vì TNGT lại giảm hơn 1/2 so với năm 1997. Năm 2014, tỷ lệ tử vong do TNGT ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển là 1,1 người/100.000 dân, bằng 1/3 tỷ lệ ở New York. Tỷ lệ này là 5,5 ở Liên minh châu Âu (EU) và 11,4 ở Mỹ. Trên cả đất nước Thụy Điển, tỷ lệ này 2,6 người/100.000 dân, đây là tỷ lệ thấp nhất thế giới…

Theo nhận định của các chuyên gia, yếu tố lớn nhất giúp Thụy Điển giảm số vụ TNGT, trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới về giao thông là nhờ việc quy hoạch các con đường, trong đó ưu tiên yếu tố an toàn trên cả tốc độ và sự tiện lợi. Tốc độ giới hạn trong thành phố thấp hơn, khu vực đi bộ và rào cản tách biệt đường cho xe đạp với đường cho xe cơ giới…

Tại Việt Nam, qua nghiên cứu, phân tích cho thấy, nguyên nhân chủ yếu đầu tiên dẫn đến TNGT vẫn là do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định về ATGT. Kế đến là công tác tổ chức kiểm điểm đối với người vi phạm ATGT thiếu cương quyết; sự tham gia, phối hợp của các đoàn thể chưa chặt chẽ nên chưa tạo thành phong trào mạnh mẽ để góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, để làm giảm tỷ lệ TNGT vẫn được coi là bài toán thực sự khó. Do đó, từ những kinh nghiệm của Thụy Điển trong kéo giảm tỷ lệ TNGT, các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, bên cạnh việc nâng cao nhận thức tuân thủ đúng pháp luật cho người tham gia giao thông thì việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm TNGT cũng cần được chú trọng và đặc biệt quan tâm hơn nữa. Các chuyên gia khuyến nghị chính quyền các đô thị (đặc biệt là những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nơi hiện đang đối mặt với nguy cơ bùng phát số lượng phương tiện cá nhân với tỷ lệ TNGT cao giống như Thụy Điển những thập niên 50-60) cần phải thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận về TNGT, tìm ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT để từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp.

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, kinh nghiệm lớn nhất và quý nhất của Bộ luật Vision Zero của Thụy Điển là mục tiêu hướng đến không có ai gặp TNGT. Trong khi các quốc gia đang phát triển đang tiếp cận ở góc độ là thiết kế kế một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, đòi hỏi tất cả người tham gia giao thông phải thực hiện đúng tuyệt đối mới đảm bảo an toàn, thì Chính phủ Thụy Điển lại hướng tới thiết kế hệ thống đường giao thông, các phương tiện vận tải an toàn cho phép chấp nhận lỗi của người lái xe ở mức độ nhất định. Theo đó, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là thay đổi cách tiếp cận và xây dựng những lộ trình phù hợp riêng với điều kiện Việt Nam; sẽ không thể áp dụng 100% do mức độ phát triển của các quốc gia như Tây Âu, Bắc Âu cách xa rất nhiều so với thực tế Việt Nam nên những bước đi cả về cơ sở hạ tầng, thể chế có những điểm khác xa nhau. Do vậy, cách tiếp cận có thể giống nhau nhưng bước đi cụ thể và quá trình chuẩn bị cần phải làm hết sức chi tiết và thận trọng.

Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm của Chính phủ Thụy Điển trong việc áp dụng thiết bị Alcolock để kiểm soát tình trạng người điều khiển phương tiện lái xe khi nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định nhằm giảm thiểu TNGT cũng là bài học quý đối với tất cả các quốc gia khác. Đặc biệt, trong điều kiện ở Việt Nam, tỷ lệ vi phạm các quy định về sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện còn đang rất phổ biến. Chính vì vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên xem xét nghiêm túc và đánh giá những triển vọng cho việc sử dụng thiết bị tiên tiến này để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta hiện nay.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ATGT có tính thực tiễn, khả năng ứng dụng cao ở Việt Nam sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần làm giảm TNGT. Do đó, chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong công tác bảo đảm ATGT; chủ động phối hợp các nhà khoa học tìm kiếm các nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nghiên cứu, áp dụng hình thức hợp tác công - tư trong nghiên cứu ứng dụng ATGT… là giải pháp hiệu quả đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Để làm giảm số vụ TNGT tại Việt Nam, hiện Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm ATGT; đẩy nhanh tiến độ khắc phục các điểm đen về ATGT; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ; trong đó tập trung chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát…

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, hiện Việt Nam cũng đang tiến hành đổi mới cả nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả, hướng tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải; chú trọng tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện cá nhân…

Hy vọng rằng, với bài học kinh nghiệm từ Thụy Điển cùng những giải pháp đồng bộ từ các cấp, các ngành và ý thức chấp hành ATGT của mỗi người dân… số vụ TNGT tại Việt Nam sẽ ngày càng giảm hơn nữa./.

Gia Linh