Bức tranh kinh tế thế giới năm 2019 và triển vọng năm 2020

|

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2019 và triển vọng năm 2020

Năm 2019 - Kinh tế toàn cầu đồng loạt giảm sút

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2019 công bố tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống 3%, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. IMF nhận định, kinh tế thế giới đang đồng loạt giảm tốc, với gần 90% các nước trên thế giới tăng trưởng chậm lại trong năm nay, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 1,2% năm 2019, thấp hơn so với mức 2,6% đưa ra vào tháng 4/2019. Các chỉ số thương mại hàng hóa và dịch vụ của WTO đều cho thấy xu hướng chững lại trong giai đoạn gần đây và dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, tùy thuộc vào diễn biến của căng thẳng thương mại và bất định chính sách của các nền kinh tế chủ chốt.

Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tháng 11 cũng cho thấy, mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã tăng trong nửa đầu năm do xu hướng bất ngờ tăng giá ở một số nền kinh tế tiên tiến và hoạt động mạnh mẽ trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song sự phục hồi khiêm tốn này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. EC dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu, không kể Liên minh châu Âu (EU), sẽ giảm mạnh từ mức 3,8% trong năm 2018 xuống còn 3,2% năm 2019.

Theo giới chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế toàn cầu đã trở nên mong manh do hệ thống thương mại và đầu tư suy yếu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi“cuộc đấu” thuế quan với Trung Quốc. Sau khi làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu và chặn đà tăng trưởng kinh tế từng được dự báo là khá vững chắc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục vẽ những “vệt tối” lên bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019.

Những đòn áp thuế “ăn miếng trả miếng” giữa Washington và Bắc Kinh nhằm vào một khối lượng lớn hàng hóa của nhau hồi giữa năm nay và đỉnh điểm là tháng 8 vừa qua đã phần nào làm gián đoạn chuỗi 
cung ứng toàn cầu, giảm lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh, từ đó tạo ra những rào cản bất lợi cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
 
Trong khi đó, tiến trình Brexit chông gai của nước Anh với những biến động liên tiếp trên chính trường nước này đã “phủ bóng đen” không chỉ lên nền kinh tế Anh mà cả châu Âu. Nguy cơ của “Brexit cứng” không thỏa thuận kéo theo tình trạng hỗn loạn thị trường tài chính, đe dọa toàn bộ nền kinh tế thế giới, khiến giới đầu tư “đứng ngồi không yên” suốt nhiều tháng. Kịch bản Brexit cứng được dự báo sẽ gây thiệt hại cho cả đôi bên, khiến GDP của Anh giảm 3,5%, trong khi GDP của EU cũng giảm hơn 0,5%.

Kinh tế toàn cầu năm 2019 còn phải hứng chịu hàng loạt các yếu tố gây rủi ro cao, từ làn sóng biểu tình bạo lực bùng phát ở Hong Kong (Trung Quốc) hay tình hình rối ren tại khu vực Mỹ Latinh, tới những căng thẳng vùng Vịnh với nguy cơ một cuộc chiến tranh có thể bùng phát do xung đột Mỹ-Iran leo thang… Hàng loạt diễn biến bất ổn đã khiến kinh tế thế giới năm 2019 rơi vào tình trạng “mất đà”. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả các nền kinh tế lớn nhất như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Kinh tế Mỹ năm 2019 tăng trưởng không ổn định. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý III đạt mức 1,9%, giảm nhẹ so với mức 2% của quý II, nhưng giảm mạnh so với mức 3,1% trong quý I đầu năm. Trong khi đó, kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia (NABE) công bố gần đây dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm còn 2,3% trong năm nay, so với mức 2,9% của năm 2018.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phác thảo bức tranh kinh tế Mỹ với nhiều điểm sáng, tối xen kẽ khi chi tiêu hộ gia đình và niềm tin người tiêu dùng tăng mạnh nhưng đầu tư doanh nghiệp, xuất khẩu và sản xuất giảm. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm tới 70% sản lượng của nền kinh tế Mỹ đã tăng mạnh trong ba quý đầu năm 2019, lần lượt ở mức 1,1%, 4,6% và 3,2%, phần nào giải tỏa những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp, hiện duy trì ở mức dưới 4% kể từ đầu năm nay, đã giảm nhẹ xuống còn 3,5% trong tháng 11 vừa qua, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua.

Tuy nhiên, bất chấp những số liệu tích cực trong chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động, đầu tư của doanh nghiệp đã giảm trong 2 quý liên tiếp, lần lượt ở mức 1% trong quý II và 2,3% trong quý III, làm kéo lùi đà tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Chưa hết, hoạt động của lĩnh vực chế tạo trong tháng 11 cũng ghi nhận mức giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp, trong khi chỉ số quản trị mua hàng (PMI) giảm 47,8% trong tháng 9, mức thấp nhất trong một thập kỷ. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, kinh tế Mỹ đang đối mặt với một số “thách thức nghiêm trọng” như tăng trưởng toàn cầu suy yếu và bất ổn thương mại leo thang trong năm qua.

Kinh tế khu vực châu Âu cũng bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và lạm phát thấp trong bối cảnh bất ổn cao. Tốc độ tăng trưởng GDP ở khu vực đồng tiền chung châu Âu được dự báo giảm từ 1,9% trong năm 2018 xuống còn 1,1% trong năm nay.

Khu vực châu Á, từng được coi là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng không thoát khỏi vòng xoáy suy giảm. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm 2019-2020 xuống mức 5,2%, so với mức 5,4%-5,5% đưa ra trước đó. Thậm chí, các chuyên gia nhận định những “dấu hiệu báo bão” tương tự như thời kỳ trước các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, như các năm 1987, 1997 và 2008 đang xuất hiện.

Kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III/2019 của nước này chỉ đạt 6%, tiếp tục giảm từ mức 6,2% của quý II/2019, chủ yếu do sự giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 6-6,5% trong năm 2019 của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn ổn định.

Theo các chuyên gia kinh tế cao cấp từ Oxford Economics, sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đang trở nên khá nghiêm trọng. Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc hầu như không được mở rộng trong tháng 10/2019 khi cả nhu cầu trong và ngoài nước đều giảm. Chỉ số quản trị mua hàng giảm còn 50,2 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Những đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm sút trong 5 tháng liên tiếp và giảm nhanh nhất trong vòng 1 năm qua.

Kinh tế Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với nhiều bất ổn. Trong quý III/2019, nền kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong một năm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhu cầu toàn cầu yếu đi đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước này. Theo số liệu chính thức do Chính 
phủ Nhật Bản công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý III/2019 chỉ tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này đã giảm khá mạnh từ mức tăng được điều chỉnh 1,8% ghi nhận trong quý II/2019 và thấp hơn mức dự báo tăng 0,8% của thị trường. Tăng trưởng tiêu dùng chỉ tăng 0,4% trong quý III, thấp hơn so với 0,6% trong quý II. Chi tiêu vốn, một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế, tăng 0,9% trong quý III.

Số liệu kinh tế ảm đảm đang buộc chính phủ Nhật Bản đưa ra chính sách nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, kinh tế Nhật Bản còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào tháng 10/2019. Điều này có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Nhật Bản và làm giảm nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận dân chúng.

Năm 2020 - Kinh tế có tín hiệu khả quan những vẫn còn nhiều bấp bênh

Những tín hiệu khả quan trong những ngày cuối năm 2019, từ việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” tới kết quả cuộc bầu cử quốc hội Anh định hình rõ lộ trình Brexit, phần nào đã xoa dịu những mối lo dai dẳng trên thị trường trong cả năm 2019.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, về mặt lý thuyết, đây có thể là “cú hích” giúp khôi phục lòng tin kinh doanh, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và sản xuất trên toàn cầu, tạo đà cho tăng trưởng thương mại. Tuy nhiên, tính chất “khó lường” trong cuộc cạnh tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng những diễn biến địa - chính trị phức tạp ở phần còn lại của thế giới khiến kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với tương lai bấp bênh.

Theo giới nghiên cứu, dự báo năm 2020 sẽ có một số rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, đó là: Sự kiện bầu cử ở Mỹ, liên quan đến sự phân hóa giàu nghèo, việc đảng Dân chủ đưa ra chính sách tăng thuế đối với những người giàu; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết và sự không rõ ràng trong các chính sách, khiến giới đầu tư và người tiêu dùng quan ngại.

Năm 2019 đã khép lại, hầu hết các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới như: OECD, WTO, ECLAC, IMF, WB, ADB... đều đã đưa ra các dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020. Tuy cách tiếp cận, phân tích, đánh giá và dự báo của mỗi tổ chức có sự khác nhau, nhưng đều có chung nhận định là: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục “suy giảm”, “bấp bênh” bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là thương chiến Mỹ-Trung kéo dài và ẩn chứa nhiều nguy cơ.

IMF từng đề cập khả năng nền kinh tế thế giới có thể hồi phục nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tương lai của kinh tế toàn cầu vẫn bất định bởi việc Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” chưa thể giải quyết được bất đồng Mỹ - Trung trong dài hạn. Khả năng hai bên đạt thỏa thuận toàn diện vẫn còn mơ hồ, bởi ngay cả nội dung thỏa thuận giai đoạn một cũng chưa được công bố chi tiết và văn bản chính thức chưa được lãnh đạo hai nước phê chuẩn. Nguy cơ Mỹ hoặc Trung Quốc “đổi ý vào giờ chót” hoàn toàn có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại tương lai giữa EU và Anh mới chỉ bắt đầu và được dự báo sẽ rất khó khăn. Những yếu tố địa - chính trị bất ổn kéo dài tạo thêm rủi ro đối với nền kinh tế, càng khiến giới đầu tư thận trọng.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới xuống 2,9% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu cách đây tròn 10 năm. OECD cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái cao khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế tiếp tục giảm. Nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone thậm chí còn cho rằng thế giới đang trải qua một giai đoạn “đáng lo ngại”.
IMF lạc quan hơn khi đưa ra mức dự báo tăng trưởng 3,4% cho năm 2020, nhưng đồng thời cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới “giảm tốc đồng bộ”. Theo IMF, kinh tế Mỹ năm 2020 tuy mức tăng trưởng sụt giảm chỉ còn 2,0% - 2,1%, thấp hơn năm 2019, nhưng vẫn được đánh giá là “điểm sáng” trên vũ đài kinh tế toàn cầu.

Đối với các nước và khu vực khác như: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Anh, Eurozone... cũng tăng trưởng chậm lại. Theo đó, khu vực Eurozone năm 2020 chỉ tăng ở mức 1,4%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó. Đức và Anh cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 1,2% và 1,4% trong năm 2020.

Còn với Mỹ Latin, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2020 là 1,4%, bởi 17/20 quốc gia có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Với châu Á, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng hạ dự báo tăng trưởng khu vực này chỉ ở mức 5,2% năm 2020. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) lại tỏ ra lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế của Nga với 1,6% cho 
năm 2020 và 1,8% cho năm 2021.
 
Có thể thấy, các thách thức trên toàn cầu đã đặt nền kinh tế thế giới vào tình trạng “ảm đạm và bấp bênh” thiếu ổn định với hàng loạt rủi ro rình rập. IMF cho rằng ưu tiên chính sách hiện tại là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững và kiềm chế căng thẳng địa - chính trị. Tuy nhiên, đây đều là những vấn đề không thể được giải quyết trong “một sớm, một chiều”./.
 
Tiến Long