ASEAN đón dòng vốn đầu tư toàn cầu: Xu hướng tất yếu

|

ASEAN đón dòng vốn đầu tư toàn cầu: Xu hướng tất yếu

Trước những ảnh hưởng bất lợi về kinh tế - xã hội… của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển hướng dòng vốn đầu tư và cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giới chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội tốt để các nước trong khu vực ASEAN đón đầu dòng vốn đầu tư toàn cầu.
 
Triển vọng tươi sáng

Trong những năm qua, khu vực ASEAN luôn được đánh giá là khu vực năng động và tăng trưởng tích cực nhất trên bản đồ kinh tế thế giới. Theo báo cáo đầu tư ASEAN 2019 của Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng năm thứ 3 liên tiếp, đạt mức kỷ lục 155 tỷ USD trong năm 2018, so với mức 147 tỷ USD năm trước đó. Tỷ lệ của ASEAN trong tổng lượng FDI toàn cầu cũng tăng từ 9,6% năm 2017 lên 11,5% năm 2019. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục nhờ sự phát triển công nghiệp năng động, cũng như sự cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực.

 
 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hiện nay, dòng vốn đầu tư trên toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng. Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết, khoảng 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ hủy hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc, đồng thời một số doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, mà điểm đến có thể là các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.

Xu hướng này càng gia tăng sau khi dịch Covid-19 làm tê liệt các chuỗi cung ứng thế giới, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp toàn cầu. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, khu vực ASEAN nổi lên là một điểm đến tiềm năng do có lợi thế lớn về nguồn nhân lực cùng với sự hỗ trợ chính sách về thuế và tiền thuê nhà xưởng… Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà một số nước Đông Nam Á ký kết với những quốc gia phát triển cũng tạo ra lợi thế xuất khẩu của ngành sản xuất Đông Nam Á.

Làn sóng chuyển dịch này diễn ra rõ nét đối với các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Tại Hàn Quốc, Đông Nam Á được xác định là khu vực mà ngành tài chính Hàn Quốc nên mở rộng sự hiện diện trong 3 năm tới để thực hiện kế hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn. Theo thông tin từ Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), việc mở rộng hoạt động ở các nước ASEAN là một trong 3 chiến lược chính để thực hiện kế hoạch tổng thể thứ năm tại nước này, nhằm mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2022. Trong số 27 chi nhánh nước ngoài mà các công ty tài chính Hàn Quốc thành lập năm ngoái, có 13 chi nhánh được đặt tại các quốc gia thành viên ASEAN, như Việt Nam, Indonesia và Singapore.

Trong khi đó, Nhật Bản dự kiến khởi động một chương trình trợ cấp trị giá 23,5 tỷ Yên (tương đương 220 triệu USD), nhằm khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á. Chương trình này được tích hợp vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản, nhằm hạn chế tác động tới nền kinh tế do COVID-19, giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở sản xuất cũng như những nghiên cứu khả thi tại các nước ASEAN. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, nhu cầu thiết lập các cơ sở sản xuất ở khu vực ASEAN của các doanh nghiệp Nhật Bản đã có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, chương trình trợ cấp sẽ giúp Nhật Bản xây dựng quan hệ tốt hơn với các nước ASEAN.

Cũng là một trong những quốc gia đang đánh giá rất cao vai trò của ASEAN thông qua chính sách “hướng Đông” của mình. Ấn Độ đã cùng 4 nước tiểu vùng sông Mekong lên ý tưởng về sáng kiến “Hành lang kinh tế Mekong” với tổng giá trị đầu tư ước tính lên đến 88 tỷ USD. Dự án này có xuất phát điểm từ cảng Chennai, băng qua vịnh Bengal, kết nối với thành phố Dawei của Myanmar, đến thủ đô Bangkok của Thái Lan, qua thủ đô Phnompenh của Campuchia, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu, nơi tập trung những cảng biển nước sâu, đủ sức chứa cho các tàu thuyền có tải trọng lớn. Nếu sáng kiến trở thành hiện thực, 4 thành phố có tuyến đường này đi qua sẽ trở thành 4 trung tâm kinh tế cực kỳ phát triển của khu vực Đông Nam Á, nâng tầm quan hệ thương mại kinh tế giữa Ấn Độ và 4 quốc gia vùng Mekong ngày càng thắt chặt và phát triển sâu rộng.

Cuộc chạy đua thu hút vốn tại các nước trong khu vực ASEAN

Hiện nay, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang đưa ra các chính sách ưu đãi, nhằm tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Mục tiêu là hướng tới các công ty trên toàn cầu đang xem xét lại chuỗi cung ứng của mình, sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất trên khắp Trung Quốc.

Trong số các nền kinh tế tại Đông Nam Á, Việt Nam đang nổi lên là ứng cử viên sáng giá thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trong tổng số 33 công ty nước ngoài lựa chọn di chuyển trụ sở từ Trung Quốc tới khu vực Đông Nam Á, thì có tới 23 công ty đã chọn Việt Nam và số khác đã chuyển sang Malaysia, Thái Lan và Campuchia. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có lợi thế nguồn nhân công giá rẻ đã qua đào tạo và một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Hiện nay, sức hút của Việt Nam càng gia tăng sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang nổi lên trong cuộc chạy đua thế chân Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Quốc gia này đã lên kế hoạch kiến thiết khu công nghiệp có quy mô lớn nhất ở bờ biển phía Bắc đảo Java nhằm thu hút các nhà sản xuất di dời khỏi Trung Quốc. Indonesia cũng có kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp trong thời gian từ nay tới năm 2024. Nước này cũng sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22% trong năm nay, sau đó xuống 20% vào năm 2022, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó. Nước này tự tin với các ưu thế như chi phí nhân công thấp và tiềm năng khổng lồ từ thị trường nội địa. Tuy nhiên, Indonesia vẫn đối mặt với rào cản hàng chục năm qua như các quy định khó khăn, luật lao động cứng nhắc và cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đòi hỏi Chính phủ nước này cần tiếp tục đẩy mạnh hơn các cải cách về mặt chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Cuộc đua thu hút FDI từ các nước trong khu vực ASEAN càng trở nên nóng hơn khi mới đây Thái Lan đã kiến tạo các gói hỗ trợ các công ty nước ngoài muốn chuyển khỏi Trung Quốc. Theo đó, các gói hỗ trợ này sẽ được thiết kế một cách chi tiết và linh động để phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau. Ủy ban Đầu tư của Thái Lan đã thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhắm vào các công ty nước ngoài di chuyển hoạt động từ Trung Quốc.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư FDI, khu vực Đông Nam Á cũng đang là điểm đến tích cực của dòng vốn đầu tư mạo hiểm - Venture Capital (VC). Trong báo cáo “Điểm lại các quỹ VC Đông Nam Á trong quý I/2020”, Deal Street Asia cho biết, các VC trong khu vực đã huy động được số vốn cam kết có tổng trị giá khoảng 5,8 tỷ USD trong năm 2019. Hiện tại, có tới 53 VC đang có mặt trên thị trường Đông Nam Á với mục tiêu huy động tổng cộng 8,4 tỷ USD trong năm 2020, trong đó khoảng 30% đã được đáp ứng.

Báo cáo của Deal Street Asia cho thấy, Indonesia và Singapore đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm, dù tốc độ huy động vốn đã chậm lại trong quý I/2020. Theo đó, Indonesia đã huy động được 161 triệu USD trong quý I/2020, Singapore dẫn đầu khu vực với 865 triệu USD.

BRI Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm số một tại Indonesia khi huy động được 136 triệu USD, tiếp theo là OCBC Ventura NISP và Indogen Capital với lần lượt 15 triệu USD và 10 triệu USD. Trong khi đó, quỹ đầu tư mạo hiểm B Capital có trụ sở tại Singapore huy động được 600 triệu USD, xếp trên Vickers Venture Partners (200 triệu USD) và Credence Partners (50 triệu USD).

Song song với việc thực hiện các biện pháp thu hút vốn đầu tư riêng lẻ tại các quốc gia, các tổ chức quốc tế hiện khuyến nghị các nhà lãnh đạo khu vực Đông Nam Á nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh để phối hợp các chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính, thương mại nhằm tận dụng có hiệu quả sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư toàn cầu./.

 
Tiến Long