Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2021: Dần thoát khỏi bóng đen suy thoái sau đại dịch

|

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2021: Dần thoát khỏi bóng đen suy thoái sau đại dịch

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia, trong 6 tháng đầu năm 2021 sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng được cải thiện, nhờ những nỗ lực thực thi các gói kích thích kinh tế của các chính phủ cũng như các ngân hàng trung ương, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên quy mô lớn. Tuy nhiên, việc phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn phụ thuộc vào câu chuyện phân phối vaccine, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển vốn bị hạn chế hơn về nguồn lực tài chính.
 
Triển vọng sáng dần

Chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà một số quốc gia thực hiện tiếp tục bơm thanh khoản mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình phục hồi của các nền kinh tế. Khi ngày càng nhiều quốc gia gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng vaccine, nhất là ở các nền kinh tế lớn, dịch đã từng bước được kiểm soát và việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng tăng tốc song hành. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp toàn cầu đã tăng liên tục trong những tháng đầu năm, đạt 58,4 điểm vào tháng 5/2021 - mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu tăng nhanh trong bối cảnh nhu cầu sản xuất và tiêu dùng phục hồi. Trong quý I/2021, giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tăng khoảng 4% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, giá trị này đã cao hơn mức trước khủng hoảng Covid-19, tương đương mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Sự phục hồi trên dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong quý II/2021 với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ đạt 6.600 tỷ USD.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trước triển vọng phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu trong năm 2021, FDI toàn cầu cũng đang có dấu hiệu cải thiện. Chỉ số FDI toàn cầu tháng 3 đạt mức 855 điểm (tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2020) - mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây và tiếp tục ở mức cao vào tháng 4 (đạt 732 điểm - giảm so với tháng 3 nhưng tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020).

Với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế toàn cầu, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 khi liên tục nâng mức dự báo. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 4/2021, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ đạt mức 6%, tăng 0,4 điểm % so với dự báo vào tháng 1/2021 và tăng 0,7 điểm % so với dự báo vào tháng 10/2020. Tháng 5/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn 0,2 điểm % so với mức dự báo tháng 3/2021 (5,6%). Cùng thời điểm tháng 5/2021, Vụ Liên hợp quốc và các vấn đề kinh tế xã hội (UNDESA) dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,4% thay vì mức 4,7% như dự báo đưa ra hồi tháng 1/2021. Báo cáo mới nhất của WB vào tháng 6/2021 cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 5,6%, tăng 1,6 điểm % so với dự báo hồi tháng 1/2021.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái trên toàn thế giới, với khoảng 16 nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính từ việc bơm tiền mạnh tay của các ngân hàng trung ương. IMF cho biết, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu ngày càng được cải thiện, nhờ hai động lực chính là Mỹ và Trung Quốc.

Kinh tế Mỹ phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai tiêm phòng Vaccine Covid-19 thần tốc, trên quy mô lớn và việc thực thi gói kích thích kinh tế khổng lồ cùng với các biện pháp nới lỏng tiền tệ, tài khóa đã thực hiện trước đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và chỉ số PMI của Mỹ đều đạt mức kỷ lục trong tháng 4 và 5/2021. Số việc làm mới tăng 559 nghìn việc làm trong tháng 5/2021. Với gói cứu trợ 1,9 tỷ USD, tính đến 14/6/2021, đã giải ngân được 51%, trong đó, riêng các khoản chi trực tiếp cho hộ gia đình đã giải ngân được 96% và hỗ trợ thu nhập đạt 48%. Điều này giúp thu nhập cá nhân và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh.

Kinh tế Trung Quốc giữ xu thế tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu tăng mạnh. Động lực tăng trưởng chuyển từ đầu tư công sang tiêu dùng và xuất khẩu. Trong tháng 5/2021, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 27,9%, nhập khẩu tăng 51,1%; tổng giá trị bán lẻ hàng hóa tăng trung bình 17,7% trong các tháng 1-4/2021. Vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu không bị giảm bớt dù cho hoạt động vận chuyển trên toàn cầu chậm trễ do tác động của đại dịch. Các tổ chức IMF (4/2021) và WB (6/2021) dự báo, GDP Trung Quốc có thể tăng tới 8,4% và 8,5% trong năm 2021 thay vì mục tiêu 6% do Chính phủ Trung Quốc đặt ra. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia Đông Á này cùng với Mỹ sẽ là động lực hàng đầu cho sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Đối với khu vực EU, tháng 5/2021, Ủy ban châu Âu (EC) tăng mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2021, 2022 do những chuyển biến tích cực của chương trình tiêm Vaccine, các nền kinh tế trong khu vực EU bắt đầu mở cửa trở lại và kỳ vọng kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt trị giá 750 tỷ Euro (hơn 890 tỷ USD) sẽ đưa EU thoát khỏi suy thoái. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,2% trong năm 2021. Tháng 6/2021, WB cũng đưa ra dự báo tương tự với kinh tế EU.

Vẫn còn không ít rủi ro

Theo giới chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu là tích cực nhưng chưa thực sự chắc chắn. Trước hết, đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn còn những trở ngại. Các nhà sản xuất tiếp tục gặp khó khăn do tình trạng gián đoạn trong vận tải biển, thiếu lao động và các nguồn cung như chất bán dẫn. Nhu cầu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh khi Mỹ thoát khỏi đại dịch và hoạt động xã hội được thúc đẩy, các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ không đáp ứng kịp, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung cả vật liệu và lao động.

Tại châu Âu, dù tốc độ tăng trưởng phục hồi nhanh hơn dự kiến, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cho rằng, còn quá sớm để tranh luận về việc giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1850 tỷ Euro. Theo ECB, Eurozone đang ghi nhận dấu hiệu khởi sắc, nhưng sự phục hồi này cần phải ổn định và bền vững trước khi ECB có thể thảo luận về việc rút dần các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.
Bên cạnh đó, kinh tế Nhật Bản trong quý I/2021 giảm 1% so với quý trước đó và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mức độ suy thoái của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong quý I/2021 thấp hơn nhiều so với ước tính ban đầu và so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm là do tác động của tình trạng khẩn cấp lần 3 mà Chính phủ ban bố ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh, thành khác, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 9 tỉnh khác. Nhiều khả năng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục suy thoái trong quý II/2021.

Ngoài ra, các thị trường mới nổi hoặc bị gánh nặng nợ nần, hoặc do lo ngại đồng nội tệ mất giá và dòng vốn chảy ra nên năng lực thực hiện chính sách vĩ mô ngược chu kỳ tương đối yếu, không gian tương đối hẹp, dẫn đến việc phục hồi kinh tế sau những tác động của đại dịch cũng tương đối chậm.

Lạm phát toàn cầu năm 2021 được dự báo tăng khá mạnh (ở mức 2,8% so với mức 2% năm 2020) do giá cả của các hàng hóa cơ bản tăng mạnh cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19 bằng các chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng. Từ đầu năm đến nay, giá năng lượng, các hàng hóa phi năng lượng, giá lương thực, kim loại và khoáng chất đều tăng.

Theo dự báo của IMF vào tháng 4/2021, trong năm 2021, giá dầu thô tăng 41,7%, hàng nông sản thô tăng 12,9%, thép tăng 32,1%, thức ăn tăng 13,9% và giá cả hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với các năm 2013-2020. Bên cạnh đó, chi phí vận tải hàng hóa cũng đang tăng nhanh, chỉ số giá cước vận tải hàng hóa toàn cầu đã tăng 1,35 lần từ cuối tháng 4 đến nay. Chi phí đầu vào tăng khiến giá sản xuất của nhiều quốc gia tăng mạnh.

IMF cảnh báo, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch, khi tốc độ tiêm chủng vaccine không đồng đều và sự xuất hiện của các chủng virus mới kìm hãm triển vọng tăng trưởng của nhiều khu vực. Điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ tương đối lớn đối với hầu hết hết các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Nhiều nền kinh tế ở châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia trong những tháng gần đây đã chứng kiến làn sóng gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới, trong khi tiến độ tiêm chủng khu vực này chậm hơn Mỹ và châu Âu. Điều này buộc chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. Trong khi đó, một số quốc gia châu Á gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đang tăng cường tiêm vaccine ngừa Covid-19. Diễn biến đó khá tích cực và cần được duy trì ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, tại các quốc gia khác như: Thái Lan, Indonesia và Philippines vẫn chưa kiểm soát hiệu quả đại dịch và chưa có các chương trình tiêm chủng đủ mạnh.

Trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế vẫn phải tăng cường hợp tác sản xuất và phân phối vaccine, điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ chính sách cho các nước đang phát triển để thúc đẩy kinh tế thế giới nhanh chóng thoát khỏi bóng đen suy thoái do tác động của dịch.

IMF cũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại những nước kém phát triển hơn, trong đó cần bổ sung nguồn quỹ để giúp các nước này mua vaccine và tái phân bổ lượng vaccine từ những nước thừa sang những nước thiếu.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), ngay cả khi đại dịch dự kiến dần kết thúc vào năm 2021, mức phục hồi ngắn hạn trong đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển cũng chỉ đạt 5,7%, thấp hơn nhiều so với con số 10,8% của năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu./.

 
 Tiến Long