Cơ hội tăng cường hợp tác Việt Nam - Australia với chiến lược kinh tế Đông Nam Á

|

Cơ hội tăng cường hợp tác Việt Nam - Australia với chiến lược kinh tế Đông Nam Á

Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia nhằm thực hiện kế hoạch tăng cường hợp tác thương mại và thúc đẩy đẩy tư giữa quốc gia này và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Là một trong những nền kinh tế lớn của khu vực, cùng với quan hệ kinh tế được nâng tầm, sự tác động của Chiến lược kinh tế Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho cả Việt Nam và Australia trong tương lai.

Từ khóa: Chiến lược, kinh tế, Việt Nam, Australia, thương mại, đầu tư, hợp tác, xuất khẩu…

Abstract:

Australia's Southeast Asia Economic Strategy to 2040 aims to enhance trade cooperation and promote investment between the country and Southeast Asian nations. As one of the major economies in the region, along with elevated economic relations, the impact of the Southeast Asia Economic Strategy is expected to bring numerous opportunities for cooperation and development for both Vietnam and Australia in the future.

Keywords: Strategy, economy, Vietnam, Australia, trade, investment, cooperation, export…

Việt Nam là đối tác quan trọng của Australia trong khu vực Đông Nam Á

Nền kinh tế của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cho thấy sự phát triển năng động và mạnh mẽ kể từ khi thành lập đến nay. ASEAN hiện là một trong những cộng đồng kinh tế lớn của thế giới với vai trò và vị trí ngày càng quan trọng đối với sự phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại đa phương. ASEAN cũng đồng thời là đầu mối quan trọng trong các hiệp định thương mại tự do, hợp tác kinh tế và đầu tư, là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của nền sản xuất thế giới. Trải qua nửa thế kỷ thiết lập quan hệ hợp tác, ASEAN - Australia đã cho thấy những bước tiến trong mức độ đối thoại, hợp tác ngày càng được nâng cao. Gần đây nhất là Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia, thể hiện thái độ nghiêm túc và quyết tâm tăng cường hợp tác của nước này với các quốc gia khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, tại ASEAN, Việt Nam là một trong những nền kinh tế lớn, đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập mạnh mẽ, là ngôi sao mới nổi, động lực kinh tế mới của khu vực châu Á, có mức tăng trưởng ấn tượng và đang trở thành trung tâm sản xuất lớn trong khu vực. Là một trong những điểm nhấn nổi bật của khu vực ASEAN với vị trí chiến lược, có nền chính trị ổn định, nền kinh tế năng động đang trên đà tăng trưởng, Australia luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam cả trong mối quan hệ nội khối ASEAN nói chung và trong quan hệ song phương nói riêng. Đồng thời không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại; nhờ đó, quan hệ kinh tế hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ trong giai đoạn gần đây.

Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đem lại kỳ vọng mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Australia

Năm 2024, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia cùng nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trở thành đối tác quan trọng nhất của nhau, qua đó tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mới để đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của hai nước về các vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng, gìn giữ hòa bình… Đến nay, Việt Nam và Australia cùng tham gia và hợp tác rất hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như: ASEAN, APEC, ASEM, Liên Hợp Quốc… cùng trên 20 cơ chế hợp tác song phương với nhiều kết quả tích cực.

Hai nước cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA). Nhờ khai thác các Hiệp định thương mại đa phương, những năm gần đây, quy mô thương mại song phương Việt Nam - Australia tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai quốc gia đạt 13,75 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Australia 5,22 tỷ USD và nhập khẩu 8,53 tỷ USD. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu); ngược lại, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia. Các sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất sang Australia tương đối đa dạng; trong đó, tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, máy vi tính, dầu thô, dệt may, giày dép, thủy hải sản…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia các sản phẩm than đá, quặng sắt, bông, lúa mì, kim loại, rau quả… Đáng lưu ý, Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá, chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới; quặng và các loại khoáng sản, chiếm 44,78% năm 2023. Tháng 5/2024 vừa qua, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Australia với mức tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó đánh dấu mốc mới khi lần đầu tiên Việt Nam đã xuất siêu sang Australia với hơn 54,6 triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam và Australia đã cùng thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) do Thủ tướng hai nước công bố hồi tháng 11/2021 với những sáng kiến then chốt, vừa có cơ sở thực tiễn, vừa có nguồn lực thực hiện và được rà soát thường xuyên với lộ trình đến năm 2025. Tính đến hết tháng 12/2023, Australia có 621 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 2 tỷ USD; Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng vốn hơn 552 triệu USD. Australia là một trong những đối tác cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực và tích cực hỗ trợ phòng chống COVID-19. Lũy kế đến tháng 8/2024, Australia là đối tác lớn thứ 21 đầu tư vào Việt Nam với 662 dự án, tổng số vốn trên 2 tỷ USD.

Australia luôn nằm trong nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất. Hiện nay, hai bên đang thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực mới, tiềm năng như ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng... Đồng thời, hai bên cũng tiếp tục hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực, quốc tế; gần đây nhất, Australia đã ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023- 2025.

Ngày 06/9/2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Ngoại trưởng Penny Wong, Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers và Bộ trưởng Thương mại Don Farrell ra tuyên bố chung công bố Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040. Chiến lược kinh tế Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại với các quốc gia trong khu vực. Chiến lược xác định 10 lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao nhất, bao gồm: Nông nghiệp và thực phẩm, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Chính phủ Australia công bố thành lập quỹ đầu tư trị giá 2 tỷ đô la Australia (AUD) cho Đông Nam Á. Đặc biệt, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, Australia tuyên bố sẽ bổ sung 222,5 triệu AUD cho hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mekong và các sáng kiến khác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư với ASEAN thời gian tới, công bố bổ sung 40 triệu AUD cho Chương trình đối tác biển Đông Nam Á, nâng tổng số tài trợ lên thành 64 triệu AUD cho giai đoạn 4 năm tới. Chính phủ Australia dự báo, thương mại hai chiều giữa nước này và các nước Đông Nam Á có thể đạt 465 tỷ AUD (tương đương 302 tỷ USD) vào năm 2040, tăng so với mức hiện tại là 287 tỷ AUD (tương đương 186 tỷ USD).
 
Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đem lại bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước

Với Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 (Chiến lược), Australia hướng đến thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong khu vực ASEAN trên nhiều lĩnh vực thế mạnh, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh: “Các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp Australia. Chiến lược này đưa ra những cách thức để có thể tận dụng đà tăng trưởng này, nắm bắt các cơ hội đầu tư và thương mại rộng lớn mà khu vực mang lại”. Theo Chiến lược, Chính phủ Australia xác định một số lĩnh vực ưu tiên có thể giúp thúc đẩy thương mại giữa Australia và các quốc gia ASEAN, bao gồm: Nông nghiệp và thực phẩm; tài nguyên; chuyển đổi năng lượng xanh; kết cấu hạ tầng; giáo dục và kỹ năng; kinh tế du lịch; chăm sóc sức khỏe; kinh tế kỹ thuật số; dịch vụ chuyên nghiệp và tài chính và các ngành công nghiệp sáng tạo. Chiến lược kinh tế này vạch ra lộ trình cho sự gia nhập của Australia vào nền kinh tế ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều và tăng cường đầu tư của Australia vào khu vực.

Trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định, khi mối quan hệ giữa Australia và ASEAN ngày càng phát triển, quốc gia này đặt nhiều kỳ vọng về mối quan hệ với Việt Nam và Việt Nam có vai trò quan trọng đối với tương lai kinh tế của Australia.

Đặc biệt, Australia đề xuất 4 lĩnh vực sẽ ưu tiên thúc đẩy trong quan hệ với Việt Nam, bao gồm: Nông nghiệp và thực phẩm, tài nguyên, chuyển đổi sang năng lượng xanh, giáo dục và kỹ năng. Australia đã, đang từng bước thực hiện tiến trình hiện thực hóa Chiến lược thông qua các chương trình hỗ trợ, hợp tác hướng đến các lĩnh vực kể trên.

Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ USD được thành lập để xúc tiến đầu tư vào khu vực và các nhóm giao dịch đầu tư đã được thành lập, bao gồm cả ở Việt Nam. Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á sẽ tập trung vào các dự án chuyển đổi cơ sở hạ tầng và nền kinh tế xanh. Đầu tháng 6/2024, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Australia đã tổ chức chuyến công tác của 15 đại diện cấp cao từ 14 tổ chức đầu tư hàng đầu của Australia, các hiệp hội quỹ hưu bổng và các cơ quan tư vấn quản lý hơn 1,6 nghìn tỷ AUD đến thăm Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư. Trong thời gian làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, phái đoàn đã gặp gỡ các nhà quản lý quỹ hàng đầu và các cố vấn tài chính và pháp lý đáng tin cậy tại đây để tìm hiểu về các xu hướng nhân khẩu học thuận lợi và các yếu tố đô thị hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như khung pháp lý đầu tư nước ngoài. Tại Hà Nội, đoàn đã làm việc với đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Australia đang tiến hành các cuộc đàm phán một cách thuận lợi nhằm hướng đến các thỏa thuận tiếp cận thị trường nông sản hai chiều. Phía Australia cũng khẳng định, Việt Nam là thị trường đa dạng hóa quan trọng đối với các nhà xuất khẩu của quốc gia này và là trọng tâm trong chương trình đầu tư của Chiến lược Đông Nam Á của Australia đến năm 2040.

Australia cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh thông qua cơ chế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực được coi là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam. Trong tháng 9/2024, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Hội Trí thức và Chuyên gia Việt - Úc (VASEA) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm triển khai các hoạt động hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển hệ sinh thái gắn với đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, phát triển sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm. Việc ký kết đánh dấu một bước chuyển mới cho quan hệ hai bên, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Khuôn khổ Quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện mà hai quốc gia vừa thiết lập vào tháng 3/2024, được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng tầm vị trí ưu tiên của Việt Nam trong chuỗi các giải pháp mà Chính phủ Australia sẽ triển khai để hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2040 trong quan hệ Australia - ASEAN thời gian tới./.

Tại Hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Australia, bà Sue Lines trong tháng 8/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia; đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Australia (EEES), hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại đạt mức 20 tỷ USD và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều trong thời gian tới; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp xuất khẩu của hai nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Trị giá xuất khẩu phân theo một số nước, khối nước và vùng lãnh thổ chủ yếu và phân theo mặt hàng chủ yếu năm 2023, Tổng cục Thống kê;

2. Số liệu thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 và 8 tháng năm 2024, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Minh Huyền