Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 lạc quan hơn so với các dự báo đưa ra trước đó

|

Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 lạc quan hơn so với các dự báo đưa ra trước đó

Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 lạc quan hơn so với các dự báo đưa ra trước đó

Tại thời điểm tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,6% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2024; Liên hợp quốc (UN) nhận định nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 (tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,1% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 02/2024); Liên minh châu Âu (EU) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 3,2% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với tăng trưởng năm 2023); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)  nhận định nền kinh thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2024, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024.

Hình 1. Đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2023 và dự báo năm 202
của các tổ chức quốc tế

 

            Nguồn: WB, FR, UN, OECD, EU và IMF


Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại hàng hóa toàn cầu cải thiện dần trong năm 2024

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định tăng trưởng thương mại sẽ cải thiện dần trong năm 2024 bất chấp xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị. Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự báo tăng 2,6% trong năm 2024 và 3,3% trong năm 2025 do nhu cầu giao dịch hàng hóa tăng trở lại sau khi suy giảm vào năm 2023. Giá năng lượng cao và lạm phát kéo dài đã tác động đến nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất phục vụ thương mại, nhưng nhu cầu này sẽ phục hồi khi áp lực lạm phát giảm bớt và thu nhập thực tế của hộ gia đình được cải thiện.

WB dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,5% trong năm 2024, cải thiện đáng kể so với mức 0,2% của năm trước nhưng vẫn thấp hơn tốc độ trung bình của hai thập kỷ trước đại dịch (2000-2019).

Lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu

OECD nhận định lạm phát chung đã giảm ở hầu hết các nền kinh tế nhờ thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, giá năng lượng thấp hơn và áp lực chuỗi cung ứng tiếp tục giảm. Lạm phát giá lương thực cũng giảm mạnh ở hầu hết các quốc gia do bội thu các loại cây trồng chủ chốt như lúa mì và ngô. Lạm phát trung bình của các nền kinh tế phát triển giảm từ 9,9% trong Quý IV/2022 xuống còn 3,0% trong Quý I/2024. Lạm phát ở Trung Quốc vẫn ở mức rất thấp, chỉ 0,1% trong tháng 03/2024. Khoảng 1/3 nền kinh tế trên toàn cầu có lạm phát chung hiện ở mức bằng hoặc dưới mức mục tiêu. WB và IMF cùng đồng quan điểm khi cho rằng lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm nhưng vẫn ở trên mức mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và ở khoảng 1/4 các các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. IMF tính toán lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ mức trung bình 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024.

Theo WB, dự báo giá hàng hóa trung bình sẽ giảm nhẹ nhờ nguồn cung được cải thiện. Rủi ro địa chính trị tiếp diễn khiến giá dầu Brent trung bình được dự báo ở mức 84 USD/thùng trong năm 2024 trong bối cảnh OPEC+ cắt giảm một phần nguồn cung. Giá khí đốt tự nhiên đã giảm gần 28% trong Quý I/2024 so với quý trước, trong bối cảnh sản xuất tăng trưởng mạnh, thời tiết mùa đông ôn hòa và hàng tồn kho tăng cao. Giá khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ dự báo sẽ ổn định trong thời gian tới. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng trở lại trong Quý II/2024, phản ánh rủi ro nguồn cung dai dẳng liên quan đến xung đột đang diễn ra.

Hầu hết giá kim loại tương đối ổn định trong Quý I/2024. Tuy nhiên, trong số các kim loại quý, giá vàng đạt mức cao kỷ lục, bởi những lo ngại về địa chính trị và lực mua của các ngân hàng trung ương. Trong Quý II/2024, giá đồng đô la Mỹ tăng cao kỷ lục do lo ngại về nguồn cung, giá nhôm tiêu chuẩn tăng vọt sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Liên bang Nga. Giá kim loại, ngoại trừ kim loại quý, được dự báo sẽ ít thay đổi trong giai đoạn 2024-2025, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Giá hàng hóa nông nghiệp gần như không đổi trong Quý I/2024 và giá nông nghiệp trung bình dự báo sẽ giảm trong năm 2024 và 2025. Giá lương thực, thực phẩm được dự báo giảm 6% trong năm 2024, phản ánh nguồn cung dồi dào về ngũ cốc và dầu ăn. Tuy nhiên, thời tiết không ổn định và các hạn chế hoặc gián đoạn thương mại ngày càng tăng có thể đẩy giá cao hơn. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO (FFPI) đạt mức 120,4 điểm trong tháng 5/2024, tăng 1,1 điểm (0,9%) so với tháng 4/2024. Mặc dù tăng nhẹ so với tháng trước, FFPI trong tháng 5/2024 vẫn giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 24,9% so với mức đỉnh 160,2 điểm trong tháng 3/2022.

Điều kiện tài chính đã nới lỏng

OECD cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu gần đây đã nới lỏng nhưng lãi suất thực vẫn ở mức cao. Sau khi giảm vào cuối năm 2023, ở hầu hết các nền kinh tế, lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn danh nghĩa đã tăng kể từ đầu năm 2024, phản ánh sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình tương lai của lãi suất chính sách ở các nền kinh tế phát triển lớn và gia tăng phí bảo hiểm định kỳ. Đồng đô la Mỹ đã tăng giá về mặt danh nghĩa kể từ tháng 01/2024 kéo theo sự mất giá tiền tệ ở các thị trường mới nổi có lạm phát cao. WB đồng quan điểm với OECD khi cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu đã dịu bớt kể từ năm 2023.

Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp

Theo UN, trong 4 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp và một số lĩnh vực đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) điều chỉnh dự báo về tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2024, ở mức 4,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo 5,2% trong tháng 11/2023. Điều chỉnh này chủ yếu xuất phát từ tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước có thu nhập cao. Tỷ lệ thất nghiệp 4,9% đồng nghĩa có 402 triệu người không có việc làm nhưng muốn làm việc trong năm 2024, trong đó 183 triệu người thất nghiệp, 137 triệu người nằm trong lực lượng lao động tiềm năng và 82 triệu người đang trong độ tuổi lao động, nhưng không mong muốn tìm việc. Ước tính của ILO cho thấy thị trường lao động toàn cầu vẫn thiếu hụt việc làm đáng kể.     

Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới

WB chỉ ra năm nhân tố rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, gồm:

Thứ nhất, gia tăng xung đột vũ trang và rủi ro địa chính trị. Rủi ro liên quan đến xung đột vũ trang đã tăng mạnh do xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, tình trạng an ninh suy giảm rõ rệt ở các khu vực châu Phi cận Sahara và xung đột đang diễn ra tại U-crai-na. Nếu xung đột ở Trung Đông gia tăng, nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn đáng kể và giá hàng hóa sẽ tăng đột biến, có khả năng làm suy yếu các nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu trên toàn cầu. Sự không chắc chắn xung quanh diễn biến của cuộc xung đột Nga - U-crai-na sẽ tiếp tục gây rủi ro cho thị trường hàng hóa cũng như an ninh khu vực. Sự kết hợp của nhiều cuộc xung đột vũ trang và tác động dây chuyền có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự bất ổn về môi trường địa chính trị, cản trở đầu tư, làm suy giảm tâm lý của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng biến động tài chính.

Thứ hai, sự phân mảnh và không chắc chắn về chính sách thương mại. Gia tăng các hạn chế thương mại sẽ khiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm đáng kể, làm chuyển hướng thương mại khỏi nhà cung cấp có chi phí thấp nhất, dẫn đến sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng rất tốn kém và có thể dẫn đến tổn thất phúc lợi khi các công ty dành nguồn lực để tìm kiếm nhà cung cấp thay thế. Sự bất ổn ngày càng tăng trong chính sách thương mại và sự suy yếu hơn nữa của hệ thống thương mại đa phương có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Trong ngắn hạn, sự không chắc chắn về gia tăng chính sách thương mại có thể làm chậm hoạt động đầu tư kinh doanh ở các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Về lâu dài, chuỗi cung ứng kém hiệu quả có thể làm giảm lợi nhuận trên vốn, gây trở ngại cho tăng trưởng năng suất.

Thứ ba, lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Lạm phát dai dẳng và lãi suất chính sách cao hơn ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu. Cùng với chi phí đi vay tăng cao, lạm phát cao ở các nền kinh tế phát triển sẽ làm giảm thu nhập thực tế và chi tiêu của người tiêu dùng. Nhiều ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi cũng có thể trì hoãn hoặc làm chậm quá trình nới lỏng tiền tệ, một phần để ngăn chặn rủi ro lạm phát có thể xảy ra do đồng tiền mất giá. Theo đó, tăng trưởng toàn cầu chậm lại do sự kết hợp của các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và mức tăng thu nhập thực tế yếu hơn. Ngoài ra, nhu cầu bên ngoài yếu hơn sẽ làm giảm tăng trưởng xuất khẩu ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.

Thứ , tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc. Tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc có thể có tác động lan tỏa bất lợi thông qua thị trường hàng hóa và thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phục hồi thương mại toàn cầu, làm giảm hoạt động ở các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Mặc dù khả năng hội nhập của Trung Quốc vào thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn hạn chế, nhưng sự suy giảm mạnh này có thể tạo ra tác động lan tỏa tài chính bất lợi. Trong bối cảnh nợ công và tư nhân ở mức cao và ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc và những lo ngại về rủi ro tài chính gia tăng có thể khiến các cơ quan chức năng phải kiềm chế tăng trưởng tín dụng và chuyển hướng sang củng cố tài chính.

Thứ năm, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn với tác động ngày càng nghiêm trọng hơn. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu, gây rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu. Các hiện tượng như El Niño và La Niña đang diễn ra có nguy cơ tác động tiêu cực đến sản lượng nông nghiệp, tạo áp lực lên giá trong thời gian tới. Những hiện tượng thời tiết này có thể trở nên cực đoan hơn và tăng tần suất trong các kịch bản phát thải khí nhà kính cấp tính hơn, gây thiệt hại về lâu dài. Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng có thể làm gia tăng lây lan dịch bệnh.
 

Nguồn: Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế - TCTK