Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất tại tỉnh Phú Thọ luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng, chỉ đạo bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2021-2026, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm để triển khai thực hiện, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm...
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, bà Chu Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong điều kiện nguồn lực dành cho KH&CN còn hạn chế, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã ưu tiên đầu tư hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ, các chương trình phát triển KH&CN hướng vào các nhóm lĩnh vực có lợi thế, ưu thế phát triển của tỉnh. Phú Thọ cũng chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh như: Xây dựng và ban hành quy định về quản lý các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước tỉnh Phú Thọ, quy định về quản lý tài chính…
Mô hình sản xuất giống lúa G23
Sở KH&CN đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN như: Chương trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 (Nghị quyết số 76-NQ/TU ngày 02/8/2022 của Tỉnh ủy Phú Thọ); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh (Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND); Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2021-2025 (QĐ số 3183/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 của UBND tỉnh Phú Thọ), Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 (QĐ số 132/QĐ-UBND ngày 18/01/2021 của UBND tỉnh), Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh,…
Đối với việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ngay từ khâu xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Sở KH&CN Phú Thọ đã quán triệt quan điểm lựa chọn các nhiệm vụ phải xuất phát từ thực tiễn đời sống, hướng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp thu, làm chủ và chuyển giao các công nghệ, tiến bộ KHKT mới trong cả nước, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong và ngoài tỉnh được đánh giá là có tính ứng dụng, tính thực tiễn, có khả năng nhân rộng như: Công nghệ nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ nuôi cá sông trong ao, công nghệ kết nối vạn vật, công nghệ 4.0, các quy trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...
Thăm quan mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao
Bên cạnh đó, khai thác, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, có năng suất, chất lượng cao như: Khai thác phát triển các giống chè phục vụ phát triển ngành chè của tỉnh, cây bưởi, hồng Gia Thanh, các giống lúa chất lượng cao như lúa lai thơm 6, lúa thuần, lúa nếp gà gáy, cá lồng, lợn bản địa, lợn lai bản địa, cây dược liệu,... Xây dựng các mô hình canh tác mới, tiên tiến như mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình chuyển hóa cây gỗ lớn, mô hình chăn nuôi tiên tiến,...
Qua triển khai các mô hình, đã đào tạo được hàng trăm kỹ thuật viên cơ sở/cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho hàng nghìn lượt người dân về kỹ thuật sản xuất, thâm canh các giống cây trồng và sản xuất giống, nuôi thương phẩm các giống vật nuôi, thủy sản theo hướng an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ góp phần làm thay đổi tư duy, tập quán trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản truyền thống của người dân đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng bền vững.
Nhà lưới thực hành – thí nghiệm của khoa Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ
Mặt khác, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ đã thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác, quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành rà soát, bổ sung, cập nhập danh mục tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn quốc gia (QCVN) còn hiệu lực làm cơ sở dữ liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, lập hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy và hướng dẫn các tổ chức/cá nhân thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đăng ký mã số, mã vạch phù hợp với quy định hiện hành. Đặc biệt, đã hỗ trợ 37 lượt doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án ứng dụng KH&CN cấp nhà nước, cấp tỉnh vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh là trên 90 tỷ đồng; hỗ trợ 53 doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ là 18,37 tỷ đồng.
Các dự án tạo lập, quản lý và phát triển NHTT, NHCN cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh Phú Thọ (điển hình như các sản phẩm: NHCN chè Phú Thọ, Tương Dục Mỹ, nếp gà gáy Mỹ Lung, Quế Yên Lập, Mộc Vân Du, Gà đồ Thanh Ba, Rượu ngô Tân Sơn, Bí xanh Văn Lang, cá chép Thủy Trầm, hồng không hạt Gia Thanh...). Hầu hết các sản phẩm sau khi được bảo hộ đều được mở rộng quy mô sản xuất, giá trị sản phẩm tăng từ 25-40% so với trước khi được bảo hộ, thị trường tiêu thụ được mở rộng và ổn định tại các siêu thị lớn ở trong và ngoài tỉnh như: Siêu thị BigC, siêu thị Coopmart, siêu thị Vinmart,... Việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm rất cần thiết và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung góp phần thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm.
Tại Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ, Phòng Thí nghiệm được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu về thực hành
và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên, sinh viên nhà trường
Ngoài ra, còn có các dự án đem lại hiệu quả cao trong sản xuất các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến đối với gà Ri lai thả vườn đảm bảo an toàn sinh học gắn với chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”; Dự án “Ứng dụng công nghệ nhà lưới hiện đại để xây dựng mô hình trồng dưa lưới và rau, quả thuỷ canh chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”; Dự án “Xây dựng mô hình trồng thâm canh và chế biến các sản phẩm chè xanh chất lượng cao từ giống chè VN15 tại tỉnh Phú Thọ”; Dự án “Xây dựng mô hình chế biến các sản phẩm chè xanh, chè đen, chè ô long chất lượng cao từ các giống chè LDP1, Kim Tuyên góp phần xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ”.
Ngành KH&CN cũng tập trung ưu tiên đầu tư vào các nhóm lĩnh vực có lợi thế phát triển của tỉnh như: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản với các công trình, nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các công nghệ sinh học; công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT); công nghệ chọn tạo giống mới, các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao… Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng, phát triển các công nghệ tự động hóa, sản xuất sạch; sản xuất và ứng dụng các sản phẩm công nghệ vật liệu mới, thân thiện môi trường; tiết kiệm năng lượng; xử lý môi trường nước thải, rác thải trong sản xuất công nghiệp, làng nghề và sinh hoạt). Lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe nhân dân (tập trung ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ chuyển đổi số; công nghệ trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị một số bệnh). Lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông xây dựng các phần mềm ứng dụng; công nghệ 4.0; các công nghệ phần mềm thông minh phục vụ quản lý, điều hành hiệu quả các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhẵn hiệu chè Phú Thọ
Đồng thời, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực: Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm đồ uống; Sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu mới; Cơ khí chế tạo máy; hóa dược và công nghệ sinh học; sản xuất nhiên liệu tái tạo; xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, có lợi thế của tỉnh và các địa phương trong tỉnh giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung góp phần thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm.
Đáng chú ý là, để tạo động lực thúc đẩy xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo từng giai đoạn, với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, đưa SHTT thực sự trở thành công cụ quan trọng, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu; Tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; từ đó, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và doanh nghiệp; bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bà Chu Thị Bích Thủy chia sẻ: Kết quả đạt được qua các giai đoạn là minh chứng cho sự thành công đến từ nỗ lực không ngừng của ngành KH&CN tỉnh Phú Thọ. Trong đó phải kể đến những kết quả nổi bật mà Chương trình phát triển tài sản trí tuệ như: Đã xây dựng được 70 chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ với nhiều nội dung phong phú, phổ rộng; Đã tạo lập bảo hộ cho 43 sản phẩm, hàng hóa dưới các hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, trong đó phải kể đến nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ; 100% sản phẩm sau bảo hộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên thị trường, tác động mạnh mẽ đến giá trị và tạo thị trường tiêu thụ ổn định không chỉ tại hệ thống các siêu thị, mà còn tại hệ thống các kênh phân phối tiêu thụ khác; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP,
nông sản tỉnh Phú Thọ
Trong thời gian tới, Sở KH&CN Phú Thọ sẽ tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các Chương trình phát triển về KH&CN của tỉnh; Tăng cường đầu tư hỗ trợ hoạt động tạo lập, khai thác và phát triển bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh và sản phẩm của doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ./.
Trọng Nghĩa