Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, với sự nỗ lực đóng góp của ngành Công Thương Tuyên Quang, kinh tế tỉnh đã có nhiều điểm sáng, là động lực tăng trưởng và hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2018 đến nay, ngành Công Thương Tuyên Quang đã nỗ lực không ngừng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 25/5/2021 về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 18/12/2021 về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện trong buổi làm việc với Lãnh đạo Sở Công Thương Tuyên Quang
Về phát triển công nghiệp: Tuyên Quang đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động, tập trung vào các ngành công nghiệp như: Chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, thuỷ điện. Một số dự án sản xuất công nghiệp đã hoàn thành đi vào sản xuất như: Các Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu tại huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Nhà máy may LGG, Nhà máy may Yên Sơn; Các nhà máy bao bì xuất khẩu, vải bạt, nhà máy sản xuất gia công thiết bị tai nghe tại cụm công nghiệp Phúc Ứng; Nhà máy chế biến gỗ Woodland tại huyện Chiêm Hoá, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A, 8B... Qua đó tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN
Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã chủ động tham mưu cho tỉnh về công tác quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp từng bước được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất xúc tiến đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 57,8%. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế. Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang. Phấn đấu có sản phẩm công nghiệp đạt thương hiệu quốc gia.
Sản xuất giấy và bột giấy xuất khẩu ở Công ty cổ phần giấy An Hòa. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN
Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với các sản phẩm nông, lâm sản địa phương được ngành Công Thương quan tâm triển khai và có cách làm mới so với giai đoạn trước và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: Ngành đã xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 30/8/2021 hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của tỉnh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và Hội Nông dân tỉnh, chủ trì tổ chức phát động phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang” nhằm tạo chuyển biến tích cực trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý thức ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang; góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản tỉnh Tuyên Quang.
Công nhân gia công phong bì tại xưởng sản xuất của Công ty CP Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm,
Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa). Ảnh: Cao Huy
Triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh Tuyên Quang tại các thị trường trong và ngoài tỉnh; kết nối cung - cầu hàng hóa nông sản lâu dài, phân phối các sản phẩm tỉnh Tuyên Quang trong các hệ thống siêu thị. Song song với việc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm nông lâm sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Tuyên Quang; các trang web của các Sở, ban, ngành; Zalo; Facebook,... Sở triển khai thực hiện tốt các đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia và địa phương hàng năm, tham mưu xây dựng: Trang thông tin các sản phẩm nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa tỉnh Tuyên Quang (http://congthuongtuyenquang.gov.vn); các phần mềm tổ chức, quản lý hội chợ, triển lãm trực tuyến, cơ sở dữ liệu kinh tế, công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Năm 2022 triển khai xây dựng các đề án: Ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; phần mềm Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang; Phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp bộ giải pháp chăm sóc và quản trị khách hàng. Tổ chức, tham gia hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ sản phẩm nông lâm nghiệp và tổ chức đi xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản trong nước và nước ngoài. Kết nối đưa một số sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart.
Lao động làm việc tại Nhà máy May Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công
Nhìn chung, ngành Công Thương Tuyên Quang cơ bản đã hoàn thành các chương trình công tác đề ra hàng năm góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đặc biệt, Ngành đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, các nước Đông Âu và Đông Nam Á. Một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu của tỉnh liên tục những năm gần đây đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, qua đó đã góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang.
Lãnh đạo Sở Công Thương và các đại biểu tham quan các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Na Hang
tại chợ đêm Na Hang (tháng 10-2020). Ảnh: Quốc Việt
Những nỗ lực của Ngành đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành Công nghiệp tỉnh nói riêng và tăng trưởng kinh tế tỉnh nói chung. Kết quả tính đến nửa đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên toàn tỉnh ước đạt 8.274,3 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch năm và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 80,9 triệu USD, bằng 57,8% kế hoạch năm và tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu bán buôn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 14.269,3 tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch năm và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong nửa cuối năm 2022, Sở Công Thương Tuyên Quang tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu như: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng cuối năm đạt 9.246,1 tỷ đồng, bằng 52,8% so với kế hoạch năm; Ước thực hiện năm 2022 đạt 17.520,4 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 6 tháng cuối năm đạt 59,1 triệu USD bằng 42,2% so với kế hoạch năm; Ước thực hiện năm 2022 đạt 140 triệu USD, hoàn thành kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu bán buôn 6 tháng cuối năm đạt 14.230,7 tỷ đồng, bằng 49,9% so với kế hoạch năm; Ước thực hiện năm 2022 đạt 28.500 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh
Thực hiện hiệu quả phương án đảm bảo sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm Hội chợ triển lãm và trung tâm Logistics tại thành phố Tuyên Quang và các huyện. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành Công Thương Tuyên Quang sẽ hoàn thành các chương trình công tác đề ra hàng năm, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của tỉnh./. Nghĩa Thủy