Huyện Chợ Mới - Những điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội

|

Huyện Chợ Mới - Những điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội

Những năm qua, huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) đã thực hiện nhiều giải pháp để biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò là cực tăng trưởng của vùng động lực phát triển của tỉnh Bắc Kạn.

So với các huyện khác của tỉnh Bắc Kạn, Chợ Mới là huyện có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội do khá thuận lợi về giao thông khi được kết nối với các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển năng động như Thái Nguyên, Hà Nội … qua Quốc lộ 3 và đường Thái Nguyên – Chợ Mới. Bênh cạnh đó, trên địa bàn huyện Chợ Mới còn có khu công nghiệp Thanh Bình, hiện nay là khu công nghiệp duy nhất của tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua đã thu hút được một số doanh nghiệp đến sản xuất ổn định. Chợ Mới còn là huyện đi đầu trong việc khai thác thế mạnh kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, cũng là huyện có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng …

Đặc biệt, theo định hướng phát triển không gian, các hành lang kinh tế của tỉnh Bắc Kạn, Chợ Mới được xác định nằm trong vùng trung tâm động lực, gồm thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông với trung tâm là thành phố Bắc Kạn là đầu tàu cho sự phát triển của toàn tỉnh gắn với hành lang phát triển QL3 và tuyến cao tốc.

Một góc thị trấn Đồng Tâm - huyện Chợ Mới
 
Để biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển, huyện Chợ Mới xác định cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định, do đó Huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, thời gian qua đây là lĩnh vực được đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực của Huyện. Giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình nước sạch, viễn thông, trụ sở làm việc… được đầu tư toàn diện, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hiện nay huyện Chợ Mới cũng đang đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hình thức đổi đất lấy hạ tầng, trong đó tập trung vào các công trình cấp thiết phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, huyện Chợ Mới tập trung quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả diện tích đất đồi rừng, khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn…  Từ năm 2020 đến nay, huyện Chợ Mới trồng được hơn 3,2 nghìn ha rừng, trong đó trồng lại sau khai thác hơn 2 nghìn ha, gần 1 nghìn ha rừng phân tán, còn lại diện tích rừng trồng của Lâm trường. Triển khai Dự án KFW8 trên địa bàn một số xã, đến nay Huyện đã đo đạc thực hiện dự án được 987ha; diện tích đánh dấu cây tỉa thưa hơn 700ha, với 533 hộ dân tham gia và đã được cấp sổ tiết kiệm với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.

Nông dân xã Bình Văn, huyện Chợ Mới vào vụ thu hoạch hồi
 

Rừng mỡ của người dân xã Tân Sơn - huyện Chợ Mới
 
Trong phát triển du lịch, huyện Chợ Mới đang chú trọng nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch tại địa phương, đơn vị. Triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường; phát huy hình ảnh con người Chợ Mới “thân thiện, nhân ái, mến khách…” tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách du lịch. Song song với đó, Huyện ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch chung của Huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị di tích lịch sử văn hoá Chùa Thạch Long (xã Cao Kỳ) và Đền Thắm (thị trấn Đồng Tâm); quy hoạch khu du lịch cộng đồng thôn Chúa Lải (xã Thanh Vận); quản lý tốt quy hoạch xây dựng khu du lịch.

Suối Bản Lù, xã Tân Sơn - huyện Chợ Mới là một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch
 
Với khu công nghiệp Thanh Bình, sau hơn 10 năm hoạt động kém hiệu quả, thời gian gần đây, nhờ chuyển đổi trọng tâm thu hút đầu tư, diện mạo đã khởi sắc. Hiện có 7 dự án đang đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp Thanh Bình, đều trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ. Số lao động địa phương tại khu công nghiệp chiếm khoảng 80% với thu nhập bình quân đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Được biết, hiện nay tỉnh  Bắc Kạn đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình, giai đoạn I (73,5 ha) và chuẩn bị mở rộng thêm theo quy hoạch (51 ha), đồng thời đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn II với quy mô diện tích 80,3 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình kiểm tra quy hoạch sử dụng đất KCN Thanh Bình
 
Tỉnh Bắc Kạn cũng đang đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp Thanh Bình. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 20 dự án đầu tư mới vào khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2.150 tỷ đồng. Khi đó huyện Chợ Mới sẽ hưởng lợi nhiều hơn nữa những lợi ích mà khu công nghiệp Thanh Bình đem lại để phát triển mạnh thương mại dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp mà gần nhất là thu hút nhà đầu tư phát triển 02 cụm công nghiệp Thanh Thịnh và Quảng Chu, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Huyện./.
Thành Nam